Cà Mau mở rộng chuỗi mô hình tôm-rừng đạt chứng nhận quốc tế
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, Cà Mau vừa có thêm khu vực thực hiện chuỗi mô hình tôm-rừng được công nhận đạt chuẩn ASC nhóm, nâng tổng diện tích tôm-rừng ở vùng ngập mặn của tỉnh Cà Mau lên gần 11.500ha.
Sáng 23/11, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas vừa trao chứng nhận “ASC nhóm” cho cộng đồng nông dân thực hiện chuỗi mô hình tôm-rừng trên địa bàn xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Tra dữ liệu trên website của tổ chức ASC cho thấy, “ASC nhóm” vừa được công nhận trên địa bàn xã Tân Ân Tây cũng là chứng nhận ASC Group mô hình tôm-rừng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam trên thế giới.
Trước đó, vào tháng 10/2023, các đơn vị thực hiện chứng nhận ASC phiên bản nhóm (ASC Group) triển khai thực hiện đối với mô hình tôm-rừng xã Tân Ân Tây.
Sau hơn 1 năm thực hiện, có 375 hộ dân tại vùng nuôi nêu trên được cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích 1.860 ha, do tổ chức Bureau Veritas đánh giá và cấp chứng nhận lần đầu (có hiệu lực 3 năm, mỗi năm đánh giá, kiểm tra 1 lần).
Tại Cà Mau, vùng nuôi thủy sản đến nay đã phát triển lên khoảng 300.000ha, trong đó có khoảng 280.000ha nuôi tôm. Trong đó, mô hình tôm-rừng phát triển mạnh tại khu vực phía nam ở địa bàn các huyện có nhiều diện tích rừng ngập mặn, như: Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân…
Chỉ riêng địa bàn huyện Ngọc Hiển, sau 11 năm, chính quyền địa phương phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện thành công vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế tại các xã: Viên An Đông, Viên An, Tam Giang Tây, Tân Ân, thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân Tây có tổng diện tích chứng nhận gần 11.500ha với hơn 2.370 hộ nuôi.
Theo nhiều nông dân trong chuỗi tôm-rừng huyện Ngọc Hiển, khi tham gia canh tác theo chứng nhận ASC, thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động.
Nhờ đó, sản phẩm đáp ứng nhu cầu mua tôm của các thị trường nhập khẩu, phát triển chuỗi liên kết sản xuất tôm bền vững, thúc đẩy sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc đầy đủ và du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau trên thị trường thế giới.
Ngoài những lợi ích nêu trên, nông dân trong vùng dự án tôm-rừng đạt chuẩn quốc tế còn được hỗ trợ giá trị tăng thêm và dịch vụ môi trường rừng. Trong năm 2023 vừa qua, hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng và giá trị tăng thêm tại các vùng nuôi tôm-rừng của Ngọc Hiển đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế hơn 3,8 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 hơn 4 tỷ đồng...
Từ thành công bước đầu tại miệt rừng Ngọc Hiển, các đơn vị có liên quan tại Cà Mau tiếp tục duy trì vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng vùng nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế tại một số vùng chuyên canh tôm-lúa, tôm quảng canh cải tiến tại các huyện Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân, góp phần xây dựng chuỗi nuôi tôm Cà Mau theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường…