Quốc hội sẽ xem xét rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 5.5 đến ngày 30.6 là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy trả lời các câu hỏi tại họp báo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy trả lời các câu hỏi tại họp báo

Trả lời lý do của việc này trong cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tổ chức vào chiều 4.5, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện tổ chức nhân sự.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến một bước trước khi trình chính thức ra Quốc hội để cho ý kiến xem xét, quyết định. Việc rút ngắn nhiệm kỳ là đáp ứng tình hình thực tiễn và là vấn đề từng được đặt ra trong nhiều kỳ họp trước đây.

Theo bà Thủy, thông thường từ khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng vào tháng 1 và Quốc hội sẽ tiến hành bầu cử xung quanh ngày 19.5. Như vậy có khoảng 4 tháng để tiến hành công tác bầu cử, kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian như vậy là khá dài, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về tổ chức nhân sự các cơ quan Nhà nước gắn với yêu cầu kiện toàn nhân sự trong Đảng.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét nhất trí với chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng như nhiệm kỳ đại biểu HĐND các cấp 2021-2026 để cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp lần tới sẽ được tiến hành gần nhất có thể với thời điểm kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc, qua đó có điều kiện kiện toàn bộ máy và nhân sự cơ quan Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, Luật Bầu cử sẽ được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện. Việc này nhằm đảm bảo bầu cử được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi và vẫn bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân

Trả lời câu hỏi về cơ chế chỉ định bầu nhân sự ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, tại kết luận 150 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong HĐND, UBND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc thực hiện bầu tại HĐND như thông thường. Đồng thời có thể chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND để làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh/xã.

Đây là một cơ chế, trước đây chúng ta từng thực hiện 2 đợt sắp xếp đơn vị hành chính trong các năm 2019-2021 và đợt sắp xếp năm 2023-2025 nhưng lần sắp xếp này ngoài việc nhập xã, tỉnh/thành, chúng ta còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm nhập tỉnh/thành, xã.

Để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện để làm việc ở cơ quan mới và khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị có chỉ đạo, trong lần này sắp xếp này, chúng ta sẽ chỉ định, bổ nhiệm với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp.

Việc này chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với lần sắp xếp quy mô lớn này, còn sau đó sẽ trở về cơ chế bình thường. Đây là việc sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp để làm cơ sở pháp lý thực hiện”, bà Thủy nhấn mạnh.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/quoc-hoi-se-xem-xet-rut-ngan-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-va-hdnd-130765.html
Zalo