Quốc hội bàn giải pháp tăng trưởng kinh tế 8%/năm trở lên

Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên trong năm 2025; quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, dự kiến đứng thứ 30 thế giới và GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.

Sáng 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải pháp để đạt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên.

Mục tiêu này theo đánh giá của Chính phủ là nhiều thách thức. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế - xã hội các tháng đầu năm, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.

Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển. Công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10,1%); điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… Cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế trong bức tranh kinh tế quý I. Đó là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp. Các động lực tăng trưởng truyền thống, tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chưa đạt yêu cầu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn chậm được giải quyết.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân; cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm; và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân.

Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quoc-hoi-ban-giai-phap-tang-truong-kinh-te-8-nam-tro-len-333728.htm
Zalo