ĐBQH: Vàng ngày càng bấp bênh, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ sau vài ngày
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu thực tế từng được coi là 'nơi trú ẩn an toàn' nhưng đến nay vàng cũng là một tài sản bấp bênh, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ vài ngày.
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Tham gia thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quan tâm đến thị trường vàng hiện nay.
Theo báo cáo của Chính phủ, giá vàng từ đầu năm 2025 tới nay đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500 USD/ounce ngày 23/4/2025. Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce vượt xa các dự báo trước đó.
Ông Đồng cho rằng, vàng từng được coi là "nơi trú ẩn an toàn" nhưng đến nay thì vàng cũng là một tài sản bấp bênh, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của loại tài sản này.
"Việc giá vàng tăng mạnh sẽ tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân. Khi giá vàng gia tăng, những người nắm giữ vàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng không thể bỏ qua", ông Đồng nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận tại tổ (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong năm 2024, giá vàng tăng khoảng 13,78%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Điều này cho thấy sự liên kết giữa giá vàng và giá trị hàng hóa tiêu dùng.
Sự gia tăng giá vàng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn. Hàng hóa tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn do giá trị vàng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và phân phối. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân.
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rằng, nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, không thể chỉ nhìn nhận vàng như một tài sản đầu tư truyền thống. Vàng còn là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia.
"Điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải có những cơ chế điều hành giá vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động", ông Đồng kiến nghị.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cũng đề cập tình trạng giá vàng tăng quá mức thời gian qua mà không được kiểm soát.
"Khi giá vàng tăng, giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo gây khó khăn cho người dân, trong khi tỉ lệ người dân mất việc làm, thất nghiệp đang gia tăng. Giá vàng tăng hiện nay không phản ánh giá trị thực", bà Xương nói.
Theo đại biểu, khi giá vàng tăng cao, người dân tiếp tục đổ xô đi mua bán, đầu cơ càng làm cho giá vàng tăng đột biến. Khi giá vàng tăng đã kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo càng làm cho đời sống người dân gặp khó khăn, lạm phát càng tăng cao.
"Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem giá vàng tăng vì đâu để từ đó có giải pháp để ghìm cương giá vàng", đại biểu Xương phát biểu.
Công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế
Trước đó trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện.
Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh.
Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh, đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp.

Giá vàng biến động liên tục trong thời gian qua.
Cách đây ít ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng.
Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu cần phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước và mục tiêu phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tâm lý xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định khi cần thiết nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng. Chủ động xử lý và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.