Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ
Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế vừa ra mắt cuốn sách '220 năm Quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử (1804-2024)', do TS Phan Tiến Dũng chủ biên, NXB Thuận Hóa ấn hành.

Bìa cuốn sách “220 năm Quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử (1804-2024)”
Như chúng ta biết, Quốc hiệu có vai trò, vị thế quan trọng trong mọi mặt đời sống của quốc gia, là tên chính thức được sử dụng trong toàn bộ văn bản hành chính của đất nước. Xét ở khía cạnh ngoại giao, quốc hiệu có giá trị về mặt pháp lý, mang tính chính thống của quốc gia, được các quốc gia, dân tộc khác công nhận, có tính quốc tế.
Trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa phải là Quốc hiệu chính thức, cho đến năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu, 17/2 (tức 28/3/1804), khi vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái miếu (trong Hoàng thành) đặt tên nước là Việt Nam. Quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập niên, qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu Việt Nam sang Đại Nam.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất.
Theo PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự kiện năm 1804, khi đất nước chính thức mang tên Việt Nam, là một sự kiện vô cùng trọng đại trong sự phát triển của quốc gia trong hơn 2 thế kỷ vừa qua.
Toàn thể dân tộc Việt Nam đã có công lao to lớn trong việc duy trì, phát triển, để đến ngày hôm nay, Việt Nam ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trên trường quốc tế trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và Việt Nam hội nhập vào cộng đồng thế giới là một quốc gia có trách nhiệm và có uy tín”.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho rằng khi nghiên cứu Quốc hiệu Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đã khẳng định: Kháng chiến chống ngoại xâm là một nội dung lớn của lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. 21 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trải dài suốt 22 thế kỷ, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm này luôn gắn liền với quốc hiệu của đất nước Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử.
Còn PGS. TS. Hoàng Chí Hiếu và TS. Lê Thị Quí Đức nghiên cứu về chủ đề Quốc hiệu Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh trước năm 1945, hai tác giả nêu ý kiến: “...Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác quyết về danh xưng Việt Nam cho toàn bộ tư tưởng và hành động của mình. Trung thành với quyết định đó, ta có thể thấy rằng, toàn bộ các tổ chức cách mạng mà Người thành lập sau đó đều gắn liền với tên gọi Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa truyền thống và kết tinh cao nhất tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về một tên gọi đã có lịch sử lâu dài và cũng là hiện thực hóa được nguyện vọng của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước nửa đầu thế kỉ XX”.