Quốc gia thành viên NATO-EU hưởng lợi từ xuất khẩu vũ khí sang Ukraine

Một chính phủ thân phương Tây hơn đang điều hành quốc gia thành viên NATO và EU ở vùng Balkan, khiến việc xuất khẩu vũ khí sang Ukraine không còn là điều cấm kỵ.

Xuất khẩu vũ khí của Bulgaria tăng 200% vào năm 2022 trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine, Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Bogdan Bogdanov nói với truyền hình nhà nước hôm 17/7.

Năm ngoái, xuất khẩu sản phẩm vũ khí chuyên dụng của Bulgaria có trị giá 1,7 tỷ Euro, bằng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

“Ngành công nghiệp vũ khí của Bulgaria đang phát triển và mục tiêu là hiện đại hóa sản xuất. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo một môi trường an toàn cho những người làm việc trong các nhà máy này”, ông Bogdanov cho biết.

Bulgaria đang cố gắng nhanh chóng điều chỉnh các nhà máy của mình để sản xuất các hệ thống vũ khí và đạn 155 mm tiêu chuẩn NATO.

Với số lượng lớn vũ khí và thiết bị của Liên Xô trong kho, cũng như ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh, Bulgaria có thể là đồng minh chủ chốt của Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, Quốc hội Bulgaria chỉ bỏ phiếu ủng hộ việc sửa chữa các thiết bị quân sự của Ukraine tại các nhà máy ở “xứ sở hoa hồng”, từ chối đề xuất của chính phủ về việc gửi một gói vũ khí cho Kiev.

Đến tháng 12 năm ngoái, gói vũ khí đầu tiên cho Ukraine được chấp thuận, nhưng gói này chủ yếu bao gồm vũ khí hạng nhẹ và đạn dược, không phải phần cứng hạng nặng.

Do đó, gần như toàn bộ sản lượng vào năm 2022 đã được xuất khẩu thông qua các trung gian sang Ukraine, các nguồn tin nói với cổng tin tức châu Âu Euractiv. Vào năm 2022, Bulgaria đã xuất khẩu sang Kiev chủ yếu đạn dược cho các hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô, loại vũ khí mà người Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào cho đến khi vũ khí phương Tây hiện đại được bơm vào.

Lối vào nhà máy ssanr xuất vũ khí VMZ ở Sopot, Bulgaria, tháng 2/2023. Ảnh: NY Times

Lối vào nhà máy ssanr xuất vũ khí VMZ ở Sopot, Bulgaria, tháng 2/2023. Ảnh: NY Times

Việc xuất khẩu vũ khí sang Ukraine qua trung gian là kết quả của lập trường tránh đối đầu của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev. Giờ đây, một chính phủ thân phương Tây hơn đang điều hành quốc gia thành viên NATO và EU ở vùng Balkan, khiến việc xuất khẩu vũ khí này không còn là điều cấm kỵ.

Đảm bảo an ninh cho ngành công nghiệp vũ khí của Bulgaria cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với chính phủ của Thủ tướng Nikolai Denkov vì hàng loạt vụ phá hoại nhằm vào các nhà máy quân sự trong những năm gần đây mà Bulgaria cáo buộc phía Nga thực hiện.

Bộ Kinh tế Bulgaria tuyên bố nước này đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tăng cường an ninh sản xuất và an toàn cho nhân lực trong các nhà máy sản xuất vũ khí.

“Hiện tại, tất cả các biện pháp an toàn đã được thực hiện. Ngoài ra còn có các cấp độ an ninh bổ sung đã được triển khai cho từng địa điểm, không chỉ ở các nhà máy của nhà nước mà còn ở các nhà máy tư nhân của ngành công nghiệp quân sự Bulgaria”, ông Bogdanov cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Todor Tagarev đã bình luận hôm 17/7 rằng Bulgaria liên tục nhận được yêu cầu về những gì Ukraine cần để phòng thủ trước sự gây hấn của Nga.

“Chúng tôi đang phân tích các khả năng mà đất nước chúng tôi có thể giúp đỡ”, ông Tagarev giải thích, đồng thời nói thêm rằng “khả năng gửi gói viện trợ quân sự thứ ba tới Ukraine sẽ được chuẩn bị”.

“Bulgaria là một trong những nhà sản xuất đạn dược lớn ở châu Âu, mối quan tâm quốc tế đối với các nhà máy quân sự của Bulgaria là rất nghiêm túc và có nhiều cơ hội tốt để thu hút đầu tư của EU”, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria nói thêm.

Minh Đức (Theo Euractiv, RFE/RL)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quoc-gia-thanh-vien-nato-eu-huong-loi-tu-xuat-khau-vu-khi-sang-ukraine-a617754.html
Zalo