Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine loại tên lửa 'thay đổi đáng kể cục diện xung đột'

Việc gửi tên lửa hành trình JASSM đến Ukraine có thể thay đổi đáng kể cục diện chiến lược của cuộc xung đột, bởi vì phần lớn lãnh thổ Liên bang Nga sẽ nằm trong tầm bắn của loại vũ khí chính xác và mạnh mẽ này.

Tên lửa hành trình cận âm không đối đất JASSM gắn dưới máy bay chiến đấu của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Tên lửa hành trình cận âm không đối đất JASSM gắn dưới máy bay chiến đấu của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Mỹ đã gần đi tới quyết định cung cấp tên lửa hành trình JASSM tầm xa cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải chờ vài tháng để Mỹ giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi có thể chuyển giao

Theo ba nguồn tin của hãng Reuters, dự kiến việc đưa tên lửa JASSM vào gói viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ được công bố vào mùa thu này, tức là trước cuối tháng 11. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Các quan chức cho biết, việc gửi tên lửa JASSM đến Ukraine có thể thay đổi đáng kể cục diện chiến lược của cuộc xung đột, bởi vì phần lớn lãnh thổ Liên bang Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí chính xác và mạnh mẽ này.

Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc sử dụng tên lửa JASSM, vốn có khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết các loại tên lửa mà Ukraine hiện có, có thể buộc Liên bang Nga phải di chuyển những nơi đóng quân và kho tiếp tế hậu cần ra xa hàng trăm km, làm phức tạp khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công của Liên bang Nga và có thể mang lại lợi thế chiến lược cho Ukraine.

Cụ thể, việc phóng tên lửa từ các khu vực gần biên giới phía Bắc Ukraine giáp với Liên bang Nga có thể cho phép Lực lượng Vũ trang Ukraine tấn công các mục tiêu xa như các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga. Ở hướng Nam, việc phóng tên lửa từ gần tiền tuyến có thể giúp Ukraine tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân của quân đội Liên bang Nga ở Bán đảo Crimea, khu vực bị Moskva sáp nhập năm 2014.

Theo Reuters, hiện nay, tên lửa JASSM chỉ được tích hợp cho các loại máy bay chiến đấu do Mỹ phát triển. Ukraine dự kiến sẽ được cung cấp vài chục chiến đấu cơ F-16, mỗi chiếc có khả năng mang hai tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực để tích hợp tên lửa JASSM với các máy bay không thuộc phương Tây mà Ukraine sở hữu. Dù vậy, quan chức này không nêu rõ loại máy bay nào. Được biết, Ukraine hiện đang sử dụng các loại máy bay chiến đấu MiG-29, Su-24, và Su-27.

Trang tin United24 cho biết thêm, JASSM do hãng Lockheed Martin phát triển, là tên lửa hành trình cận âm không đối đất, có khả năng tấn công tầm xa mạnh mẽ, với đầu đạn nặng 450 kg và tổng trọng lượng đạt 1.020 kg.

Tầm bắn của JASSM thay đổi tùy theo phiên bản, trong đó phiên bản JASSM-ER có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 980 km.

Ukraine có khả năng nhận được các tên lửa JASSM với tầm bắn ngắn hơn, khoảng 370 km. Mặc dù đây là mức thấp hơn đáng kể so với khả năng tối đa của loại tên lửa này, nhưng nó vẫn mang lại sự nâng cấp quan trọng cho năng lực phòng thủ của Ukraine.

Thứ nhất, tầm bắn của tên lửa JASSM cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên Bán đảo Crimea, nơi tập trung hàng trăm căn cứ quân sự, sân bay, hệ thống phòng không và trung tâm hậu cần của Liên bang Nga.

Tên lửa JASSM cũng có thể tấn công sâu vào khu vực phía sau tiền tuyến tại các vùng bị Liên bang Nga chiếm giữ một phần như Donetsk và Luhansk.

Xem video về hoạt động vận chuyển và lắp đặt tên lửa Storm Shadows lên máy bay chiến đấu. Nguồn: Reuters

Thứ hai, hiện nay Ukraine chỉ có một loại tên lửa không đối đất tầm xa là Storm Shadow/SCALP, do Anh và Pháp cung cấp. Một lựa chọn khác là tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ, nhưng chúng đều được phóng từ các hệ thống mặt đất. Cho nên, việc bổ sung tên lửa JASSM vào kho vũ khí sẽ mở rộng khả năng tấn công của Ukraine, đồng thời tăng số lượng tên lửa sẵn sàng sử dụng.

Hiện vẫn chưa rõ Ukraine có nhận được số lượng lớn tên lửa JASSM hay không.

Theo các báo cáo, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ có khả năng sản xuất khoảng 40-50 tên lửa JASSM mỗi tháng, tương đương hơn 500 đơn vị mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng phiên bản có tầm bắn 370 km chưa được xác định.

Dù vậy, ngay cả với số lượng hạn chế, đây sẽ là một sự bổ sung đáng kể cho năng lực phòng thủ của Ukraine. Một lợi thế quan trọng khác là các tên lửa này có thể được sử dụng với các nền tảng hiện có—đặc biệt là máy bay F-16, mỗi chiếc có khả năng mang theo hai tên lửa JASSM.

Điều này không chỉ tăng cường khả năng tấn công tầm xa mà còn giúp tối ưu hóa hiệu quả chiến đấu của các hệ thống vũ khí sẵn có trong lực lượng không quân Ukraine.

Vào ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Liên bang Nga. Điều này diễn ra chỉ hai tháng trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc.

Pháp và Anh cũng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow. Tuy nhiên, tất cả các quyết định này đều bị giới hạn trong các cuộc tấn công vào khu vực Kursk.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/United24)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-sap-cung-cap-cho-ukraine-loai-ten-lua-thay-doi-dang-ke-cuc-dien-xung-dot-20241125050926527.htm
Zalo