Quê hương dẫn lối trở về

Nghỉ lễ với nhiều người không chỉ là dịp nghỉ dài ngày. Đó là lý do để trở lại, để tìm lại mình, để lặng thầm đặt tay lên mặt đất, 'nghe' nhịp đập của quê hương...

 Giải đua ghe truyền thống phường Thuận An dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất là nơi thắt chặt tình đoàn kết giữa người dân địa phương. Ảnh: Hoàng Phước

Giải đua ghe truyền thống phường Thuận An dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất là nơi thắt chặt tình đoàn kết giữa người dân địa phương. Ảnh: Hoàng Phước

Biển chiều những ngày đầu hạ trông như dải lụa trải dài đến chân trời. Làng biển rộn ràng sau chuyến trở về của những chiếc thuyền nan. Trên triền cát, hàng phi lao xào xạc gió. Hương cá, hương khói từ các bếp chiều lan trong không gian ẩm mặn. Tiếng con nít reo vui... Tất cả níu chân người đi xa, đánh thức một miền ký ức chưa bao giờ nguôi trong lòng người con làng biển.

Với anh Lê Thương (tổ dân phố Thế Mỹ B, phường Phong Phú, TX. Phong Điền), cảnh vật ấy tưởng chừng chỉ quen thuộc trong ký ức. Thế nhưng, dịp trở về quê lần này, những mái nhà ngói đỏ, những con đường làng nhỏ hun hút dẫn ra bãi biển, những đụn cát mềm mại nơi trẻ nhỏ thả diều vui đùa trong anh như một bức tranh yên bình.

Anh Thương đã rời quê từ lâu để tìm kiếm cơ hội phát triển ở TP. Hồ Chí Minh. Hàng năm, họa hoằn lắm anh mới trở về quê vào dịp Tết. Nhưng lần này, anh trở về đúng dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Tận thấy quê hương đổi khác, hòa mình vào không khí sôi động của những phong trào do dân làng tổ chức. “Về quê nghỉ lễ, tôi được gặp lại người thân, bạn bè, hàng xóm. Đặc biệt, năm nay, làng tổ chức giải bóng đá khá quy mô nên cũng là dịp tôi được chạy trên sân bóng hồi còn đi học. Có khi cả năm không gặp nhau, nhưng chỉ cần tiếng còi khai cuộc là tất cả lại như xưa", anh Thương chia sẻ.

Tại vùng biển Thuận An (quận Thuận Hóa), ngày lễ thống nhất không chỉ là ngày nghỉ, mà là ngày hội làng – tiếng trống hội, tiếng loa rộn rã từ sáng sớm. Trên con nước mặn mòi vùng cửa biển, ghe đua nối đuôi nhau rẽ nước. Hàng ngàn người dân đứng xem, reo hò, cổ vũ. Mỗi chiếc ghe là một biểu tượng của khối đoàn kết cộng đồng, nơi các ngư dân, nông dân, người buôn bán… cùng hòa làm một trong nhịp chèo đều tăm tắp.

Ông Ngô Văn Đủ, Bí thư Đảng ủy phường Thuận An, chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức hoạt động đua ghe không chỉ để vui chơi, mà còn để tri ân những người đi trước, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn. Đây là dịp để bà con ở xa về quê, để cộng đồng thêm gắn kết, để tinh thần quê hương sống dậy trong từng nhịp trống, nhịp chèo”.

Không chỉ ở Thuận An hay Phong Phú (Phong Điền), khắp các địa phương đều có các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi dịp lễ 30/4 – 1/5. Từ mái nhà đơn sơ đến căn hộ khang trang, không khí lễ vẫn đồng điệu một tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Những ngày nghỉ lễ không chỉ là dịp người dân đắm chìm vào không khí vui chơi. Nhiều người trở về quê để thắp nén hương lòng, tưởng nhớ tổ tiên. Ông Lê Văn Tạo, hiện sinh sống ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) trở về quê mẹ trong buổi sáng râm mát. Trên khoảnh đất nhỏ của quê hương ở tổ dân phố Thế Mỹ A, phường Phong Phú, ông thắp một nén hương. “Tôi về đây mỗi dịp lễ, không chỉ để tgawm quê, mà còn để nguyện cầu cho cha, dù ông chưa có một nấm mồ, nhưng quê hương này là nơi ông đã ra đi và cũng là nơi tôi trở về", ông Tạo tâm sự.

Cha ông Tạo là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mất tích trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường ông không còn rõ tên. Dù gia đình đã nhiều lần tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định hài cốt. “Nhiều lúc mơ thấy cha, tôi vẫn thấy ông ngồi ở sân nhà này, ngó về phía cồn cát. Tôi tin ông vẫn ở đây”, ông Tạo lặng lẽ nói, mắt không rời khói hương đang quyện vào gió.

 Những đứa trẻ nô đùa khi được về quê cùng bố mẹ dịp lễ

Những đứa trẻ nô đùa khi được về quê cùng bố mẹ dịp lễ

Trong dòng người trở về, có những người đã xa quê mấy chục năm. Họ trở lại, nhìn thấy những biển tên hành chính mới: Xã xưa nay đã thành phường, làng xưa ghép với đơn vị bên cạnh. Những tấm biển “phường” thay cho “xã”, “tổ dân phố” thay cho “thôn”… khiến không ít ngỡ ngàng trong khoảnh khắc.

Thế nhưng, khi đặt chân lên con đường đất quen, nghe tiếng gọi nhau bằng cái tên cũ, khi dạo chơi ở giếng làng, vào chùa cũ thắp hương, tất cả trở nên thân thuộc như chưa từng đổi thay.

“Cái tên có thể thay đổi để thuận tiện cho quản lý, phát triển chung, nhưng mình thì vẫn là người làng Thế Mỹ, vẫn là con của mảnh đất này”, ông Lê Văn Tạo nói, rồi tiếp lời: “Mà quê hương, đâu phải ở cái tên – nó ở ký ức, ở nấm mộ cha mình nằm, ở mảnh vườn mẹ trồng rau"…

Nhiều người dân khi nghe chính quyền địa phương giải thích cụ thể về việc sáp nhập đơn vị hành chính, nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi tiêu công, nâng cao hiệu lực quản lý đều thể hiện sự đồng thuận. Bởi việc đổi tên, nhập xã, sáp nhập tổ dân phố là bước chuyển mình cần thiết, giúp chính quyền gần dân hơn, phục vụ tốt hơn.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND phường Phong Phú khẳng định: “Tên hành chính có thể thay đổi, nhưng văn hóa truyền thống, bản sắc của làng quê sẽ vẫn được gìn giữ, thậm chí còn có điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn nhờ sự đầu tư bài bản, quy hoạch hợp lý".

Hết kỳ nghỉ lễ, nhiều người lại tất tưởi ngược về phố thị, tiếp tục vòng quay mưu sinh. Nhưng họ mang theo những dư vị còn ấm. Đó là một buổi trưa ngồi ăn cơm với mẹ, một chiều đi bắt cua với con ở bờ ruộng làng, một trận bóng đá đầy tiếng cười, một buổi đua ghe rộn ràng tiếng trống…

Và cả sự an lòng, khi thấy quê hương mình dù đổi thay, vẫn còn vẹn nguyên một điều – là chốn để quay về.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/que-huong-dan-loi-tro-ve-153240.html
Zalo