Những giọt nước mắt trong đại lễ 50 năm lịch sử
Chứng kiến những phút giây hào hùng của buổi Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng 30/4/2025 nhiều người đã không cầm được nước mắt, triệu trái tim đã hòa chung nhịp đập đã tạo nên một bức tranh cảm xúc đầy ý nghĩa. Đó là những khoảnh khắc mà chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ không bao giờ quên.
Giọt nước mắt của những người tiếp nối sứ mệnh của thế hệ đi trước
Sau Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức trọng thể tại thành phố mang tên Bác, nhiều ấn tượng khó phai đọng lại trong lòng của người dân Việt Nam.
Đó là hình ảnh nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến những hình ảnh tái hiện về dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc. Những giọt nước mắt của người giữ gìn hòa bình, đang tiếp nối sứ mệnh mà thế hệ đi trước đã để lại.
Khi chứng kiến hình ảnh tái hiện người mẹ tìm con trong đoàn quân trở về sau ngày chiến thắng trong nền bài hát “Màu hoa đỏ”, không ít đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rưng rưng, thậm chí lặng lẽ lau nước mắt.

Hình ảnh Nghệ sĩ Lê Thiện hóa thân người mẹ dáo dác tìm con trong đoàn quân trở về sau ngày chiến thắng, khiến nhiều trái tim rung động. Ảnh chụp màn hình
Nghệ sĩ Lê Thiện đã hóa thân người mẹ dáo dác tìm con trong đoàn quân trở về sau ngày chiến thắng. Hình ảnh bà trong chiếc áo nâu bạc màu, khăn rằn trên vai, lạc giữa dòng người tìm con rồi vỡ òa ôm lấy người lính trẻ đã khiến nhiều trái tim rung động.
Màn trình diễn là một lời nhắc nhớ nhẹ nhàng, sâu sắc về những hy sinh trong quá khứ, những điều đã làm nên nền hòa bình mà chúng ta đang tận hưởng hôm nay. Đó không chỉ là một cái ôm mà chính là lịch sử, máu, nước mắt, sự đoàn tụ của hàng triệu trái tim Việt Nam từng xa cách trong chiến tranh.
Nước mắt đong đầy ký ức qua những bước chân
Trong buổi Lễ kỷ niệm đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh về những người lính năm xưa với mái tóc bạc, áo sờn vai, khoác lên mình bộ quân phục đã không cầm được nước mắt. Các cựu chiến binh đã sống và chiến đấu trong thời khắc định đoạt vận mệnh dân tộc. Và giờ đây, 50 năm sau ngày đất nước giành được độc lập, họ lại bồi hồi xúc động nhớ lại thời khắc chiến thắng lịch sử 30/4.

Hình ảnh một cựu chiến binh khóc nghẹn khi chứng kiến hình ảnh đoàn diễu binh, diễu hành đi qua trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh cắt từ clip
Nhiều người hỏi vì sao các cựu chiến binh lại khóc khi chứng kiến Lễ kỷ niệm chiến thắng? Phải chăng là nhớ lại máu lửa, là thương tiếc đồng đội? Câu trả lời là vì tất cả điều đó và còn hơn thế nữa.
Họ khóc vì đất nước đã bình yên. Họ khóc vì sự hy sinh ấy không vô nghĩa. Những giọt nước mắt của cựu chiến binh là của niềm hạnh phúc tột cùng, khi thấy quê hương mà họ từng đánh đổi máu mình để giữ lấy giờ đây đã lớn mạnh, phát triển, kiêu hãnh giữa bạn bè năm châu.
Những người lính già đã khóc. Và qua giọt nước mắt ấy, chúng ta thấy được giá trị vô hình nhưng bất tử của ký ức chiến tranh đó là lòng yêu nước, tinh thần đồng đội và lời thề bất khuất không bao giờ chết.
Không có chiến thắng nào là không mất mát. Không có tự do nào không trả giá. Nhưng điều tuyệt vời nhất là người lính Việt Nam chưa bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân. Họ chiến đấu vì nhân dân, vì non sông và vì một ngày mai đoàn tụ.
Nước mắt tự hào về một Việt Nam hòa bình, đổi mới
Sáng hôm đó, tại các tuyến phố trung tâm TP.HCM, hàng vạn người dân đứng chật kín hai bên đường. Người dân từ các tỉnh đổ về TP.HCM từ nhiều ngày trước để chờ xem buổi lễ vào sáng ngày 30/4.
Không cần những lời lẽ hoa mỹ, chính ánh mắt, đôi tay nắm chặt lá cờ và những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên má người dân trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu đất nước. Đó là một tình yêu bắt nguồn từ ký ức đau thương, từ sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh, để hôm nay có được hòa bình và tương lai là một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giữa khung cảnh các bà mẹ bế con nhỏ, tay giơ cao lá cờ và ánh mắt rưng rưng dõi theo đội hình diễu binh, diễu hành ta thấy một sự chuyển giao đầy cảm xúc. Sự chuyển giao từ thế hệ cầm súng giữ nước sang thế hệ gánh vác đất nước bằng tri thức và lòng nhân ái.
Khi tuổi trẻ bật khóc trong hòa bình
Một sinh viên thế hệ Gen Z tham gia buổi lễ chia sẻ: “Lần đầu tôi khóc vì một sự kiện lịch sử. Tôi hiểu rằng tự do không phải là điều sẵn có, mà là cái giá của máu và nước mắt”. Đó không chỉ là một phản ứng cảm xúc nhất thời, mà là lời đánh thức lương tri của cả một thế hệ đang sống trong thời bình nhưng chưa từng nếm trải chiến tranh.
Hôm đó, nhiều bạn trẻ tay cầm lá cờ Tổ quốc đã bật khóc khi những bản hùng ca về đất nước vang lên. Họ khóc vì họ cảm nhận và hiểu được rằng nếu không có những con người đã ngã xuống ở Khe Sanh, Củ Chi, Thành cổ Quảng Trị… thì sẽ không có họ, những công dân tự do được sống, học tập và mơ ước hôm nay.
Trong giây phút đầy thiêng liêng, xúc động ấy, nhiều bạn trẻ cũng nhận ra rằng lịch sử không chỉ để tưởng nhớ, mà để kế tục. Giữ gìn độc lập, hòa bình hôm nay không còn là ra chiến trường mà là giữ gìn sự thật, truyền thống, nhân phẩm, lòng biết ơn và tinh thần tự lực tự cường. Là chống lại sự vô cảm, chống lại lối sống thực dụng, quên nguồn cội. Là sống tử tế, sống có ích, biết đền ơn và trả nghĩa bằng những hành động cụ thể.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện mang tầm vóc lịch sử và chứa đựng nhiều cảm xúc. Những giọt nước mắt ngày hôm ấy không chỉ là ký ức, mà còn là sức mạnh tinh thần, là lời hiệu triệu của lịch sử, nhắc nhở trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người con đất Việt hôm nay và mai sau.