Quảng Trị: Vững bước đổi thay nhờ chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'
Từ những cánh rừng già bạt ngàn, con suối nhỏ len lỏi qua bản làng yên bình đến từng thửa ruộng nương đẫm mồ hôi của đồng bào, vùng biên Quảng Trị nay đã khoác lên mình diện mạo mới tươi sáng, ấm áp và bền vững hơn.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thanh Hà (phải) trao bảng tượng trưng tặng nhà tiêu hợp vệ sinh cho Hội LHPN xã Lìa
Trong hành trình ấy, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021-2025, phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chính là ngọn lửa tiếp sức giúp phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây vượt khó vươn lên, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa vùng biên cương.


Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tỉnh Quảng Trị hỗ trợ phương tiện sinh kế, tặng quà cho phụ nữ, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa
Vùng đất khó và sự chuyển mình mạnh mẽ
Những xã biên giới như A Bung, A Ngo, Ba Nang (huyện Đakrông) hay xã Lìa, A Dơi, Xy, Ba Tầng, Thanh (huyện Hướng Hóa) từng là địa bàn đầy khó khăn, nơi sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp manh mún, dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Nhưng chính từ trong gian khổ, ý chí vươn lên đã bừng sáng. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng sự triển khai hiệu quả của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đời sống nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày.
Phụ nữ không còn bị bó hẹp trong suy nghĩ cũ kỹ. Họ bắt đầu chủ động học hỏi, tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn biên giới. Những chương trình mang đầy tính nhân văn như "Tết Nhân ái", "Xuân Biên cương - Thắm tình yêu thương" đã không chỉ mang lại vật chất mà còn thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Hiểu rằng nhận thức là nền tảng, Hội LHPN tỉnh và BĐBP đã tổ chức 368 buổi tuyên truyền với hơn 31.000 lượt hội viên tham dự, tập trung vào các luật thiết yếu như Luật Biên phòng, Phòng chống mua bán người, Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới… Hình thức tuyên truyền liên tục được đổi mới: từ gặp mặt trực tiếp, sân khấu hóa đến ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube.
Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, trở thành "hàng rào xanh" nơi biên giới như "Nhóm phụ nữ tự quản đường biên", "Tổ phụ nữ phòng chống tảo hôn", "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em"… Tại đây, phụ nữ vừa là người mẹ, người vợ vừa là những tuyên truyền viên tích cực, là "cột mốc sống" góp phần giữ gìn biên cương.
Một trong những điểm sáng nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện từng địa phương. Hơn 100 mô hình chăn nuôi, trồng trọt đa dạng được xây dựng và nhân rộng như: nuôi dê, bò, lợn sinh sản; trồng chuối lùn, lúa Ra Dư, rau an toàn, rừng nguyên liệu, trồng sắn, cao su, cà phê…
Các tổ chức quốc tế như Plan International, Care Quốc tế cùng nhiều chương trình hỗ trợ đã góp phần cung cấp giống cây, con, kỹ thuật canh tác, giúp phụ nữ dần thoát khỏi cách làm ăn lạc hậu. Dự án "Hỗ trợ phục hồi sinh kế sau Covid-19" đã cung cấp hàng ngàn con gà, ngan cho hàng trăm hộ dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Quan trọng hơn, tư duy liên kết sản xuất đã hình thành: "Tổ hợp tác chăn nuôi dê", "Tổ phụ nữ trồng chuối lùn", "Tổ phụ nữ phát triển lúa Ra Dư" đã tạo nên tinh thần hợp tác, nâng cao tính cộng đồng trong sản xuất.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 - 2025.
Củng cố tổ chức Hội - Nâng tầm cán bộ nữ vùng biên
Sự phát triển của phong trào phụ nữ không thể thiếu tổ chức Hội vững mạnh. Trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã kết nạp mới 6.500 hội viên, trong đó có 1.472 hội viên phụ nữ vùng DTTS biên giới. Đáng chú ý, 100% Hội LHPN cấp huyện và xã đều đã xây dựng, duy trì fanpage, nhóm Zalo, Messenger… tạo nên hệ thống kết nối thông suốt, không phân biệt vùng miền.
46 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 2.435 lượt cán bộ cơ sở giúp nâng cao năng lực điều hành, kỹ năng truyền thông, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới. Các phong trào thi đua, tiêu biểu như "Xây dựng người phụ nữ Quảng Trị thời đại mới: có kiến thức, đạo đức, sức khỏe, yêu nước, nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng", hay Cuộc vận động "Gia đình 5 không, 3 sạch" góp phần hình thành hình ảnh người phụ nữ Quảng Trị hiện đại, năng động và trách nhiệm với cộng đồng.
Phụ nữ vùng biên Quảng Trị còn tích cực tham gia giữ gìn chủ quyền lãnh thổ. Có trên 1.025 lượt hội viên phụ nữ tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc, chủ động phát hiện, cung cấp 854 nguồn tin có giá trị cho lực lượng BĐBP xử lý kịp thời các tình huống.
Các mô hình như "Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc", "Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu dân cư", "Nhóm phụ nữ tham gia tố giác tội phạm" đã thể hiện vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác an ninh, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Sự hỗ trợ của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã thắp lên niềm tin, tạo sợi dây liên kết vững chắc giữa chính quyền, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội và người dân vùng biên.
Phụ nữ nơi đây giờ đã chủ động, tự tin hơn và mạnh mẽ hơn. Họ là người thụ hưởng chính sách cũng là chủ thể kiến tạo, là nhân tố trung tâm của sự đổi thay. Chính họ - những người mẹ, người chị nơi phên dậu Tổ quốc, đang cùng nhau viết nên câu chuyện đẹp về vùng biên Quảng Trị hòa bình, ổn định và phát triển.
Với tổng giá trị huy động gần 7,7 tỷ đồng, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021–2025 của tỉnh Quảng Trị đã mang đến hàng nghìn suất quà, công trình vệ sinh, hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các xã biên giới.
Đặc biệt, chương trình "Mẹ đỡ đầu" Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã kết nối thành công sự chăm sóc dài lâu cho 656 em nhỏ mồ côi bằng nguồn xã hội hóa, với mức hỗ trợ từ 1,2 đến 7,2 triệu đồng/năm/cháu.
Bên cạnh hỗ trợ vật chất, các lớp kỹ năng sống, truyền thông phòng chống xâm hại, bạo lực gia đình… cũng được tổ chức nhằm bảo vệ toàn diện thể chất và tinh thần cho phụ nữ, trẻ em vùng biên.