Quảng Phú Cầu - Điểm nhấn làng nghề ngoại đô Hà Nội
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) nổi bật với những sân phơi tăm hương đỏ rực, là điểm nhấn trên hành trình khám phá miền di sản ngoại đô.
Nét độc đáo của làng nghề hơn một thế kỷ
Nằm nép mình nơi ngoại ô Hà Nội, làng nghề tăm hương truyền thống duy nhất của Hà Nội - Quảng Phú Cầu là một bức tranh văn hóa sống động, nơi mỗi sân phơi hương đỏ rực kể câu chuyện trăm năm của một nghề thủ công gắn liền với tâm linh người Việt.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, nghề làm tăm hương đã bén duyên với vùng đất này. Mỗi bó tăm hương được sản xuất tại Quảng Phú Cầu không chỉ mang hương thơm, mà còn là sợi dây gắn kết tâm linh và văn hóa Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến với Quảng Phú Cầu, du khách sẽ được hòa mình vào không gian lao động nhộn nhịp, chứng kiến quy trình sản xuất hương tỉ mỉ, từ vót tăm, nhuộm chân hương, se hương, phơi khô đến đóng gói.
Điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu nổi bật với tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, gồm 6 thôn được công nhận là làng nghề truyền thống, chuyên chẻ tăm hương và sản xuất hương đen. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, với 22 di tích, trong đó 8 di tích đã được xếp hạng (4 cấp quốc gia, 4 cấp thành phố).
Những sân phơi tăm hương đỏ rực như cánh đồng hoa khổng lồ dưới ánh nắng, tạo nên khung cảnh ấn tượng khó quên đối với bất kỳ ai ghé thăm, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia và những người yêu thích khám phá văn hóa. Nhờ đó, Quảng Phú Cầu dần trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Ứng Hòa và Hà Nội trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Cuối năm 2022, điểm chụp ảnh tăm hương đầu tiên xuất hiện ở thôn Cầu Bầu, thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan, chụp ảnh, đánh dấu bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, mở ra hướng đi mới của kinh tế làng nghề. Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có hai điểm du lịch làng nghề, thu hút 150-300 khách mỗi ngày, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
“Thỏi nam châm” hút khách đến miền di sản ngoại đô
Những năm qua, du lịch làng nghề Quảng Phú Cầu bổ sung vào hệ thống sản phẩm du lịch của Hà Nội một loại hình du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đa dạng hóa trải nghiệm du lịch và thu hút nhiều đối tượng khách du lịch. “Du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần vào sự phát triển xã hội của địa phương thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa và môi trường, tạo sự gắn kết cộng đồng. Du khách đến đây mang lại nguồn thu nhập trực tiếp cho người dân thông qua các hoạt động như bán sản phẩm thủ công, dịch vụ ăn uống, lưu trú, hướng dẫn du lịch, cải thiện đời sống kinh tế và tạo ra nhiều việc làm”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết.
Mới đây, trong khung khổ chương trình “Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô”, vai trò quan trọng của du lịch làng nghề trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được khẳng định. Việc công nhận "Điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu" là một bước tiến quan trọng, khẳng định tiềm năng và giá trị du lịch của làng nghề, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chương trình du lịch “Quảng Phú Cầu - Cuộc sống và màu sắc” đã tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Ứng Hòa và Hà Nội. Việc phát triển du lịch tại Ứng Hòa nói chung và Quảng Phú Cầu nói riêng không chỉ mang lại lợi ích cho địa phương, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Thủ đô, tạo ra một hình ảnh du lịch Hà Nội đa dạng, phong phú và hấp dẫn.
Ông Michael (du khách Ireland) ấn tượng với cảnh sắc làng nghề và tâm huyết của người thợ, mong muốn nơi này được mở rộng để tối ưu trải nghiệm du khách. “Tôi rất khâm phục sự tận tâm của những người thợ trong việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống này, một phần văn hóa đã tồn tại hơn một thế kỷ của cộng đồng. Tôi nghĩ, sẽ tuyệt hơn nếu khu vực này được mở rộng hơn, vì chúng tôi đã phải tìm góc chụp để tạo cảm giác như đang ở một cánh đồng hương thực sự, và đôi khi phải tránh cả hình ảnh con đường trong khung hình. Tuy nhiên, nhìn chung, đó là một trải nghiệm đáng giá”, ông Michael chia sẻ.
Để tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ điểm đến, ông Nguyễn Hữu Nhất cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nguồn lực để bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý du lịch, phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội đào tạo đội ngũ nhân lực trực tiếp phục vụ du khách, cải tạo môi trường và cảnh quan làng nghề. Đồng thời kiến nghị Thành phố và huyện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Chương trình "Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô" vừa được tổ chức nhằm quảng bá điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù gắn với các giá trị văn hóa, di sản, di tích và làng nghề trên địa bàn huyện Ứng Hòa nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Đồng thời, Chương trình giúp nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản và phát triển các tuyến du lịch mới, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, đưa Ứng Hòa dần khẳng định vị trí điểm đến du lịch phía Nam Thành phố.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2025, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung hoàn thiện và khai thác những lợi thế từ quy hoạch Thủ đô, khai thác và phát huy giá trị của Luật Thủ đô với những cơ hội vượt trội để phát triển.
Đồng thời, ngành du lịch Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để trình UBND Thành phố ban hành cơ chế, chính sách trình HĐND phê duyệt việc hỗ trợ các khu, điểm du lịch tại các địa phương để triển khai các hoạt động phát triển du lịch.
Xây dựng thành công Chương trình "Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô", ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đột phá, quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch "Hà Nội - Đến để yêu". Song song với đó là việc xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn", khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.