Quảng Ngãi tự lực, tự cường, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để vươn lên phát triển
Chiều 9/2, tại Quảng Ngãi, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội, công tác xây dựng Đảng... trên địa bàn.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/e690de3fe5710c2f5560.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)
Theo tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2024, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện kịp thời các chủ trương của Trung ương, của tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất nên tình hình thực hiện nhiệm vụ đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội (trong đó, có 11 chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu của Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra); kinh tế tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/a66b9ac4a18a48d4119b.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Kinh tế có bước tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu nhiệm kỳ; dịch vụ chậm phát triển, chất lượng còn thấp, nhất là đối với lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục đào tạo; vướng mắc về cơ chế đất đai đối với một số dự án chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; hạ tầng giao thông chưa bảo đảm tính liên kết các vùng, nội vùng của tỉnh, gắn kết với hai hành lang phát triển vùng là hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế bắc-nam, hạ tầng giao thông ở Khu kinh tế Dung Quất đang bị xuống cấp nghiêm trọng nên việc thu hút các dự án đầu tư mới và triển khai các dự án đầu tư cũng gặp khó khăn.
Công tác giảm nghèo mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khá cao, thiếu bền vững, nhất là khu vực miền núi.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/53b2611d5a53b30dea42.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (Ảnh: THANH GIANG)
Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8,5% theo kế hoạch của Tỉnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, giải quyết một số kiến nghị sau:
Tại Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi có 2 Đề án quan trọng là: (i) Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, do Bộ Công thương chủ trì xây dựng và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (ii) Đề án Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành Trung tâm du lịch biển, đảo do tỉnh Quảng Ngãi đang chủ trì xây dựng và hiện nay đã lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện hiệu quả 2 Đề án này, tỉnh kiến nghị:
Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào 2 Đề án nêu trên một số cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ.
Tiến độ thực hiện các Dự án Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I và Dung Quất III đồng bộ với tiến độ cấp khí của Dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh. Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án mặc dù công tác thẩm định đã hoàn thành.
![Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/fd46cae9f1a718f941b6.jpg)
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)
Để sớm đầu tư đưa vào hoạt động các Nhà máy Điện khí tại Trung tâm điện khí Dung Quất, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời chuyển sang phương án sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu hoặc nguyên liệu khác thay thế nguyên liệu khí dự kiến khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh.
Tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển và sử dụng nguồn cải cách tiền lương hiện có để đầu tư các công trình hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất.
Hằng năm, Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Quảng Ngãi tương ứng mức 10-15% tổng số số thu trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất nộp về ngân sách Trung ương để tái đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất (như các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An đã được Quốc hội thống nhất áp dụng cơ chế đặc thù).
Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung vốn hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Quảng Ngãi tương ứng 15-20% tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hằng năm theo quy định (phần tính điểm theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh).
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong năm qua, đóng góp vào thành tích chung của cả nước.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2025 có khởi sắc, trong đó, Tỉnh huy động hơn 100 tỷ đồng làm an sinh xã hội “nhà nhà có Tết, cả tỉnh có Tết, cả nước có Tết”; có nhiều điểm tích cực trên các lĩnh vực…
![Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/cdb7fb18c05629087047.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh làm rõ một số hạn chế, bất cập, như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, phải chỉ rõ trách nhiệm của ai, kiểm điểm trách nhiệm, phải có giải pháp cải thiện tình hình.
Thủ tướng cũng đề nghị phân tích rõ tình trạng thu hút đầu tư FDI năm 2024 chỉ được 20 triệu USD; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm, một số chỉ số khác cũng giảm theo. Việc đánh giá cũng phải gắn với trách nhiệm, xây dựng nhiệm vụ giải pháp để khắc phục nhanh.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu phải đoàn kết nhất trí; thường xuyên góp ý xây dựng; thực hiện nguyên tắc việc của ai người đó làm, không đùn đẩy, né tránh.. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; không trông chờ ỷ lại, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”, nắm chắc tình hình trong nước và ngoài nước, xử lý linh hoạt các vấn đề nổi lên; phải chủ động trước mọi tình huống bên ngoài; luôn có phương án ứng phó mọi diễn biến bất ngờ.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, tỉnh cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch vùng; các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm; giải quyết công việc phải có tiến độ; đổi mới mạnh mẽ tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tích cực chống tham nhũng, tiêu cực; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã nói, đã làm là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể "cân, đong, đo, đếm" được; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy với tinh thần dân chủ theo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh: tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thành trong tháng 2 để tháng 3 đi vào vận hành gắn với tổ chức Đại hội Đảng các cấp, phải lựa chọn nhân sự xứng đáng, có năng lực, uy tín, vì dân vì nước; xác định các chủ trương, đường lối phát triển đúng, sát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho Đại hội.
![Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/6fe35b4c6002895cd013.jpg)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)
Tập trung triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch chương trình hành động của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với Đề án 06, phân công các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc; xây dựng kịch bản tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư gồm đầu tư của Nhà nước, tư nhân, FDI, toàn xã hội; thúc đẩy tiêu dùng cần làm tốt hơn; nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế đô thị; thu hút tối đa nguồn lực của xã hội, vận dụng các chính sách, thu hút các nhà đầu tư...
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó về thể chế, tỉnh phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 hằng tháng những vướng mắc về mặt thể chế vì đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng cũng là “đột phá của đột phá”; coi trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa, trong đó coi trọng phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của những ngành nghề công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là ở cơ sở. Cấp cơ sở phải gần dân, sát dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Thủ tướng lưu ý “mất cơ sở là mất dân”; nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Phải bảo đảm an sinh xã hội, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”.
![Quang cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_14_51433934/3bc871674a29a377fa38.jpg)
Quang cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG)
Về nhà ở xã hội, Thủ tướng cho rằng tỉnh chưa tập trung coi trọng phát triển các khu nhà ở xã hội trong khi tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, trong khi quỹ đất không thiếu thì nên giao doanh nghiệp làm; lãnh đạo tỉnh phải quan tâm, các sở ngành, chi nhánh ngân hàng phải quan tâm. Coi trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm người nghèo, người có công với cách mạng, người yếu thế không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo; rà soát lại các dự án tồn đọng, kéo dài trên địa bàn.
Các bộ, ngành liên quan "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; khi địa phương đề xuất thì phải tích cực tháo gỡ, không đùn đẩy, né tránh, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết; không trả lời kiểu “vòng vo”; phải đặt địa vị của mình vào địa vị của người đang gặp vướng mắc để xử lý.
Thủ tướng cơ bản đồng tình về các đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, đối với 2 Đề án về trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, Thủ tướng đề nghị Petrovietnam phải thực hiện dứt điểm việc mở rộng khu lọc hóa dầu Dung Quất; tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển đảo Lý Sơn thành trung tâm đô thị biển đảo, việc nghiên cứu quy hoạch sân bay phải cân nhắc; nếu làm thì phải thực hiện theo hình thức PPP, làm dứt điểm, trước hết tập trung cho du lịch và phải bảo đảm khai thác hiệu quả. Liên quan phương án sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng, Thủ tướng giao Petrovietnam làm việc với các đối tác nước ngoài để khai thác khí sớm để bảo đảm hiệu quả, chậm nhất vào năm 2027.
Các bộ, ngành phải hướng dẫn tỉnh trên tinh thần để làm chứ không phải để “thắt nút”. Trung ương đã chủ trương cắt giảm bớt số dự án để tập trung nguồn lực vào các dự án lớn, do đó tỉnh cũng phải điều chỉnh theo hướng này, nhất là cần tập trung cho dự án đầu tư đường ven biển.