Quảng Ngãi: Làng rèn 300 năm tuổi tất bật những ngày cận Tết

Những ngày này, khi mọi người đặt chân tới làng rèn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thấy không khí rộn ràng của tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy mài dao làm việc hết công suất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Quang cảnh đỏ lửa ở một lò rèn Minh Khánh.

Quang cảnh đỏ lửa ở một lò rèn Minh Khánh.

Theo các bậc cao niên, cụ tổ nghề làng rèn Minh Khánh có gốc gác phía Bắc và có tên là Đinh Khắc Nhơn. Hơn 300 năm trước, cụ tổ cùng gia đình di cư vào Nam và chọn mảnh đất sát bên bờ sông Trà để khai hoang, lập nghề, lập làng. Kể từ đó trên mảnh đất này những lò rèn luôn đỏ lửa. Năm nào cũng vậy, thời gian cận Tết là thời điểm tất bật với người thợ rèn ở Minh Khánh bởi nhu cầu đặt hàng tăng cao. Từ 5h sáng, khắp làng rèn lại vang lên tiếng búa, tiếng kim loại va vào nhau rộn rã, nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Tòng đang chăm chỉ rèn rựa để cung ứng thị trường Tết.

Ông Nguyễn Tòng đang chăm chỉ rèn rựa để cung ứng thị trường Tết.

Ông Nguyễn Tòng (66 tuổi), ở thôn Minh Khánh cho hay, ông là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn. Nghề rèn làm quanh năm, tuy nhiên cứ vào dịp Tết thì nhu cầu của bà con sử dụng đồ dùng như: rựa, dao, cuốc, xẻng tăng cao nên lò rèn ở địa phương tất bật nhiều gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường. Vì vậy, hàng ngày bà con phải bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm tinh mơ, kết thúc khi trời tối muộn.

Các thanh sắt được cắt ra thành khúc để rèn dao, rựa.

Các thanh sắt được cắt ra thành khúc để rèn dao, rựa.

Theo chia sẻ của người dân làng Minh Khánh, để tạo ra một con dao vừa bền vừa sắc bén, những người thợ thường sử dụng loại kim loại: Sắt non có tính chất mềm, dẻo dai để làm thân dao và thép có độ cứng cao để làm phần lưỡi dao. Sau đó tới người thợ rèn sẽ mài mặt dao, nung qua lửa nóng, cuối cùng là tới lắp cán để cho ra một con dao hoàn chỉnh.

Những thanh sắt được nung nóng ở nhiệt độ cao để cho ra những sản phẩm chất lượng.

Những thanh sắt được nung nóng ở nhiệt độ cao để cho ra những sản phẩm chất lượng.

“Trước đây, các công đoạn đều được làm thủ công và đòi hỏi người thợ rèn phải có sức khỏe. Ngày nay, nhờ có máy móc nên người thợ rèn giảm sức lao động hơn và không còn vất vả như xưa. Cụ thể, hiện nay các hộ ở địa phương đã tự trang bị cho mình các loại máy móc như: máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại…”, anh Nhan Văn Thân ở xã Minh Khánh nói.

Người thợ chăm chỉ rèn các sản phẩm dao, rựa bán dịp Tết.

Người thợ chăm chỉ rèn các sản phẩm dao, rựa bán dịp Tết.

Bếp lửa đỏ rực tại lò rèn Minh Khánh những ngày cận Tết.

Bếp lửa đỏ rực tại lò rèn Minh Khánh những ngày cận Tết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm làng rèn Minh Khánh sản xuất ra khoảng hơn 200.000 sản phẩm, chủ yếu là rựa, dao, cuốc, búa, xẻng;... để phục vụ cung ứng ra thị trường ở trong tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành lân cận. Làng rèn Minh Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là Làng nghề truyền thống. Sản phẩm từ làng nghề cũng đạt OCOP 3 sao. Hiện nay có khoảng 60 hộ gắn bó với nghề rèn.

Tấn Thành, Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ngai-lang-ren-300-nam-tuoi-tat-bat-nhung-ngay-can-tet-10298779.html
Zalo