Vị giáo sư duy nhất của Việt Nam hiến tặng 1.000 cây vàng vì việc lớn, là người diễn thuyết Lễ Độc lập ở Sài Gòn

Ngày 2/9/1945, ở Sài Gòn cũng diễn ra một buổi Lễ Độc lập. Người đàn ông đọc bài diễn thuyết lịch sử khi đó là một trong những vị giáo sư đáng kính nhất lịch sử ngành khoa học Việt Nam.

Trong thế kỷ 20, Việt Nam có một nhà cách mạng, nhà giáo, nhà sử học lớn, người đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành khoa học nước nhà. Ông chính là người đã đào tạo ra các nhà sử học mác-xít đầu tiên cho đất nước như Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng… Nói về người này, nhà sử học Dương Trung Quốc phải dành sự kính nể:“Ông là thầy của các thầy tôi”. Người được nhắc đến chính là Giáo sư Trần Văn Giàu (1911 – 2010).

Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Giáo sư Trần Văn Giàu là một người con của xã An Lạc Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông được cho ăn học từ nhỏ. Năm 1926 đã lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. 2 năm sau tốt nghiệp tú tài, ông lên đường sang Pháp du học ở Đại học Toulouse. Ở nước bạn, ông Trần Văn Giàu làm quen và gặp gỡ các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sau đó gia nhập tổ chức này và bắt đầu hoạt động cách mạng. Sau khi đọc được cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ông Giàu đã giác ngộ và bắt đầu bước chân vào con đường chính trị. Khi đó ông chỉ mới 18 tuiổi.

Tháng 6/1930, ông Trần Văn Giàu cùng 18 người bạn bị trục xuất về nước vì tham gia biểu tình phản đối tại Pháp. Cũng trong năm về nước, ông Giàu được cử đi học Đại học Đông Phương ở Mátxcơva cùng với những lãnh tụ sau này như Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong.

Ông Trần Văn Giàu lúc tham gia biểu tình tại Paris (1930) và bị Pháp trục xuất về nước. Ảnh: Báo CAND

Ông Trần Văn Giàu lúc tham gia biểu tình tại Paris (1930) và bị Pháp trục xuất về nước. Ảnh: Báo CAND

Năm 1933, ông Trần Văn Giàu về nước hoạt động. Người đàn ông này từng bị giam 7 năm ở Côn Đảo, Tà Lài. Ông nếm mật nằm gai cùng những đồng chí như Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập, Dương Quang Đông… Cùng với các đồng chí, ở trong tù ông Giàu đã giảng bài, biên soạn tài liệu để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản. Lúc bấy giờ, người ta gọi ông Trần Văn Giàu là “thầy giáo đỏ”.

Năm 1944 – 1945, ông Giàu vượt ngục và mở lớp dạy học tại Sài Gòn, các tỉnh Nam Bộ, còn làm Chủ tịch UBHC lâm thời Nam Bộ. Năm 1949, ông giữ chức Tổng Giám đốc Nha thông tin ở Chiến khu Việt Bắc. 2 năm sau, ông Trần Văn Giàu lại vào Thanh Hóa xây dựng trường Dự bị Đại học. Cùng với những tri thức nổi tiếng lúc bấy giờ là Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, ông đã đào tạo nên rất nhiều thế hệ học sinh dự bị Đại học. Giờ đây đa số họ đều là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, chuyên gia của đất nước.

GS Trần Văn Giàu là một trong những bậc thầy khai sáng của 2 ngành lịch sử và triết học Việt Nam hiện đại. Ảnh: Internet

GS Trần Văn Giàu là một trong những bậc thầy khai sáng của 2 ngành lịch sử và triết học Việt Nam hiện đại. Ảnh: Internet

Năm 1954, ông Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng ủy trường Đại học Sư phạm, chuyên giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. 2 năm sau ông cùng Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo đào tạo nên những giáo sư đình đám như Đinh Xuân Kâm, Phan Huy Kê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng…

Nói đến Giáo sư Trần Văn Giàu, không thể không nhắc đến bài diễn thuyết lịch sử. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước VNDCCH. Đồng bào Sài Gòn sẽ được nghe tiếp sóng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập phát từ Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Lúc này đây, ông Giàu và UBHCLT Nam Bộ có 2 ngày để chuẩn bị 1 cuộc mít tinh, diễu hành lớn tại Sài Gòn. Hơn 1 triệu người dân Sài Gòn và các địa phương lân cận đã tập trung về đại lộ Cộng Hòa (nay là đại lộ Lê Duẩn) để tham dự. Cả thành phố Sài Gòn khi đó tràn ngập màu cờ cách mạng cùng khẩu hiệu “VNDCCH muôn năm”, “Đả đảo thực dân Pháp”… Nhưng vì thời tiết quá xấu, kỹ thuật lại lạc hậu nên ở Sài Gòn cuối cùng lại không bắt được tín hiệu radio từ Hà Nội.

Sau 30 phút thảo luận, ông Trần Văn Giàu quyết định thay mặt UBJCLT Nam Bộ phát biểu trước đồng bào. Ông chỉ có thời gian ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu thành một bài diễn thuyết lịch sử trước mặt hơn 1 triệu đồng bào. Nói về ngày lịch sử đó, ông Trần Văn Giàu sau này vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Dù sau này cuộc đời của người đàn ông này đã rẽ sang hướng khác, làm nghiên cứu lịch sử, dạy học và thành giáo sư, nhưng ông vẫn không bao giờ quên được dấu ấn của ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Sài Gòn. Thậm chí trước khi “đi xa”, mong ước của ông là được trở lại thăm nơi mình đã đứng đọc bài diễn thuyết lịch sử năm đó.

Giáo sư Trần Văn Giàu dành cả đời suy nghĩ về việc làm sao có ích cho đất nước, cho dân tộc. Ảnh: G.T.Sơn

Giáo sư Trần Văn Giàu dành cả đời suy nghĩ về việc làm sao có ích cho đất nước, cho dân tộc. Ảnh: G.T.Sơn

Khi bước vào tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Giàu khiến dư luận ngỡ ngàng khi quyết định bán căn nhà của mình rồi hiến tặng số tiền trị giá 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ: Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu. Đây cũng chính là giải thưởng đầu tiên ở nước ta mang tên một người khi đó vẫn còn sống.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-giao-su-duy-nhat-cua-viet-nam-hien-tang-1-000-cay-vang-vi-viec-lon-la-nguoi-dien-thuyet-le-doc-lap-o-sai-gon/20250122121613553
Zalo