Quảng Nam: Xin ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực Bãi Cao
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh xem xét, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương Dự án đầu tư khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực Bãi Cao, huyện Bắc Trà My với diện tích 3,34ha, trữ lượng vàng gốc cấp 122 được phê duyệt là 102,19kg.
![Một khu vực khai thác vàng tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_56_51475496/bf7b648456cabf94e6db.jpg)
Một khu vực khai thác vàng tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh minh họa)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đã ký Tờ trình số 1020 về việc đề nghị xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực Bãi Cao, thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.
Theo đó, tên nhà đầu tư là Công ty TNHH Phước Minh với dự án Khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực Bãi Cao, thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.
Dự án có mục tiêu khai thác, chế biến ra sản phẩm là vàng với hàm lượng kim loại vàng 82-85% để bán ra thị trường. Dự án có quy mô sử dụng đất 3,34ha. Trong đó, trữ lượng khoáng sản vàng gốc cấp 122 được phê duyệt là 102,19kg vàng; trữ lượng khoáng sản bạc đi kèm là 790,8kg.
Công suất thiết kế khai thác là 2.000 tấn quặng nguyên khai có chứa vàng/năm, sau khi chế biến thu hồi được khoảng 7,05kg vàng thô với hàm lượng 82-85%/năm.
Dự án có vốn đầu tư 14,77 tỷ đồng; thời hạn hoạt động dự kiến 11 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ).
UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, hồ sơ dự án đầu tư đã được các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND huyện Bắc Trà My tham gia góp ý; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các nội dung: Về lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, môi trường của dự án tại Báo cáo số 44/BC-SKHĐT ngày 23/01/2025.
Cụ thể, về quy hoạch khoáng sản thì dự án phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung tại Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 01/7/2019; đã cập nhật vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024.
Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất huyện Bắc Trà My đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 891 ngày 27/4/2023; có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Bắc Trà My được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 389 ngày 23/02/2024 với diện tích 3,34ha.
Liên quan đến quy hoạch rừng: Theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 209 ngày 22/1/2025 thì hiện nay, qua đối chiếu ranh giới thực hiện dự án với Sơ đồ chuyên đề (Phương án phát triển ba loại rừng) trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh cung cấp vào thời điểm này 9/12/2024, xác định phạm vi dự án nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp (trong đó phần diện tích 0,54ha trước đây quy hoạch rừng sản xuất đã được đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh).
Về hiện trạng rừng trong khu vực dự án: Theo Biên bản kiểm tra ngày 16/8/2024 giữa Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My, UBND xã Trà Bui và Công văn số 129 ngày 6/9/2024 của Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, xác định hiện trạng trong phạm vi dự án 3,34ha có 0,09ha là rừng tự nhiên (0,06ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My quản lý và 0,03ha do UBND xã Trà Bui quản lý), phần diện tích còn lại 3,25ha có hiện trạng là đất trống có dây leo, bụi rậm, không phải là rừng tự nhiên.
Về môi trường, theo hồ sơ đề xuất dự án, nhà đầu tư sử dụng công nghệ chế biến vàng bằng “tuyển trọng lực kết hợp nhiệt luyện”, không sử dụng hóa chất độc hại, không có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên từ 3ha trở lên nên không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Khu vực dự án nằm trên địa bàn vùng núi, cách xa khu dân cư, xa các công trình hồ đập, đảm bảo về môi trường. Sau khi dự án đảm bảo các điều kiện được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Công ty TNHH Phước Minh lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Khu vực dự án Khai thác vàng gốc Bãi Cao không nằm trong phạm vi công trình trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện; không ảnh hưởng đến các công trình, hành lang các công trình hạ tầng.
Liên quan đến quy hoạch đất quốc phòng, theo Công văn số 3831 ngày 16/10/2024 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thì khu vực dự án không có công trình quốc phòng, không thuộc đất quy hoạch bố trí quốc phòng theo Quyết định số 2412 ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2256 ngày 30/5/2023 của Bộ Quốc phòng.
Về lựa chọn nhà đầu tư và thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và phê duyệt kết quả trúng đấu giá tại Quyết định số 1206 ngày 3/4/2020. Theo đó công nhận Công ty TNHH Phước Minh là đơn vị trúng đấu giá. Công ty này được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 1717 ngày 26/6/2020 với diện tích 3,34ha và phê duyệt trữ lượng khoáng sản vàng gốc trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản tại Quyết định số 740 ngày 22/3/2021; với trữ lượng khoáng sản vàng gốc cấp 122 được phê duyệt là 102,19kg vàng; trữ lượng khoáng sản bạc đi kèm là 790,8kg.
Từ những ý kiến trên, UBND tỉnh Quảng Nam xác định Dự án đầu tư khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực Bãi Cao đảm bảo điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tu theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tăng cường công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn miền núi của tỉnh và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách.