Quảng Nam: Khẩn trương xử lý hơn 680 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết quý I/2024 được tổng hợp từ báo cáo của các chủ đầu tư là 680,9 tỷ đồng (trong đó, nợ phát sinh năm 2024 tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/3/2024 là 93,9 tỷ đồng), giảm 158,6 tỷ đồng so với năm 2023, giảm 340 tỷ đồng so với quý I/2023.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nợ đọng hơn 680,9 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã có Công văn 1459 gửi UBND tỉnh về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đến hết quý I/2024.

Theo đó, nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết quý I năm 2024 được tổng hợp từ báo cáo của các chủ đầu tư là 680,9 tỷ đồng (trong đó, nợ phát sinh năm 2024 tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/3/2024 là 93,9 tỷ đồng), giảm 158,6 tỷ đồng so với năm 2023, giảm 340 tỷ đồng so với quý I/2023.

Theo đó, nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh là 164,5 tỷ đồng chiếm 24,2% tổng nợ đọng xây dựng toàn tỉnh, trong đó nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh năm 2024 (tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/3/2024) là 3,3 tỷ đồng.

Một số chủ đầu tư có nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết quý I năm 2024 lớn như: Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp 78,9 tỷ đồng (nợ chủ yếu của dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà 63,5 tỷ đồng); Sở Thông tin và Truyền thông 17,3 tỷ đồng (nợ dự án xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông 16,7 tỷ đồng (nợ chủ yếu của dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai 12,5 tỷ đồng).

Về cấp huyện, nợ đọng xây dựng cơ bản 515,8 tỷ đồng chiếm 75,8% tổng nợ đọng xây dựng toàn tỉnh. Trong đó, nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh năm 2024 (tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/3/2024) là 90,5 tỷ đồng.

Một số huyện có nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết quý I năm 2024 lớn như: Đại Lộc 117 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 67,2 tỷ đồng; Thăng Bình 96 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 85,3 tỷ đồng; Tây Giang 56 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện 17,1 tỷ đồng; Tiên Phước 55 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 43,7 tỷ đồng; Duy Xuyên 37,7 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 37,7 tỷ đồng; Nam Trà My 33,3 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 17,5 tỷ đồng.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản phân theo nguồn vốn trong đó nguồn ngân sách Trung ương 164,7 tỷ đồng (cấp tỉnh nợ 119,8 tỷ đồng; cấp huyện và cấp xã nợ 44,9 tỷ đồng). Nguồn ngân sách tỉnh 121 tỷ đồng (cấp tỉnh nợ 44,7 tỷ đồng; cấp huyện và cấp xã nợ 76,3 tỷ đồng). Nguồn ngân sách huyện và cấp xã 350,3 tỷ đồng (cấp huyện và cấp xã nợ 350,3 tỷ đồng). Nguồn khác 44,3 tỷ đồng (cấp huyện và cấp xã nợ 44,3 tỷ đồng).

Yêu cầu các đơn vị xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

Sau khi xem xét Công văn số 1459/SKHĐT-QHTH ngày 29/5/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện quyết toán các dự án, hạng mục dự án hoàn thành để có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản của năm 2015 trở về trước, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương quyết toán hoàn thành dự án, thực hiện rà soát, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư, có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí kế hoạch vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, quyết liệt thực hiện quyết toán hoàn thành dự án để bố trí vốn thanh toán nợ. Ngoài ra, đối với dự án quyết toán hoàn thành thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cung cấp hồ sơ và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ hoàn thành, đối với dự án quyết toán hoàn thành nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, xác định rõ nguồn vốn trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở để bố trí kế hoạch vốn thanh toán dự điểm nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện và cấp xã đề nghị UBND cấp huyện tập trung bố trí kế hoạch vốn thanh toán dứt điểm đối với các dự án nợ từ ngân sách cấp huyện, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán dứt điểm các dự án nợ từ ngân sách cấp xã.

Ưu tiên tập trung bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành quyết toán, các dự án chuyển tiếp; sau khi bố trí thực hiện các nhiệm vụ trên mà còn thừa kế hoạch vốn mới bố trí khởi công mới các dự án thật sự cấp thiết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các chủ đầu tư thường xuyên rà soát, chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn trả nợ dứt điểm các dự án hoàn thành, đã được thẩm tra phê duyệt quyết toán.

Xử phạt trường hợp vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng, quyết toán vốn đầu tư các dự án

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp huyện và chỉ đạo UBND cấp xã kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp xã. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp có nợ đọng 78,9 tỷ đồng, trong đó nợ chủ yếu của dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà 63,5 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp có nợ đọng 78,9 tỷ đồng, trong đó nợ chủ yếu của dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà 63,5 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Ngoài ra, các địa phương gồm huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước, Duy Xuyên, Nam Trà My tập trung ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế khởi công mới các dự án, trừ các dự án thật sự cấp thiết.

Riêng đối với UBND các huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước khẩn trương xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp huyện và cấp xã. Báo cáo tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cụ thể về UBND tỉnh định kỳ hàng quý để theo dõi, chỉ đạo.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để phê duyệt, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đồng thời thực hiện xử phạt, tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng, quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành theo đúng quy định.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm giám sát hồ sơ thanh toán của các chủ đầu tư và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện thực hiện thanh toán, giám sát thanh toán vốn đầu tư các dự án theo quy định.

Thanh Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-nam-khan-truong-xu-ly-hon-680-ty-dong-no-dong-xay-dung-co-ban-379288.html
Zalo