Tìm giải pháp xử lý triệt để rác thải: Thách thức với nhiệm vụ kép

Việc phải chuyển đổi phương tiện và đảm nhận thêm khâu vận chuyển rác khiến lực lượng thu gom rác dân lập tại một số địa phương ở TP HCM gặp không ít khó khăn

Quận Bình Tân, TP HCM vừa triển khai thực hiện Đề án 1627 về nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và thu tiền rác qua app. Phường Bình Trị Đông B là địa bàn thí điểm của đề án.

Không loại bỏ lực lượng thu gom rác dân lập

Sau khi UBND quận Bình Tân triển khai Đề án 1627 thì xảy ra tình trạng một số người thu gom rác phản ứng lên UBND TP HCM. Giữa tháng 7-2024, Chủ tịch UBND quận Bình Tân đã tiếp xúc 24 đơn vị thu gom rác trên địa bàn phường Bình Trị Đông B.

Ông Võ Văn Quang, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật môi trường Toàn Quốc, cho biết hoàn toàn đồng ý với mục tiêu của Đề án 1627 nhưng không tán thành cách thực hiện của quận Bình Tân. Ông nhận xét: "Đề án ban hành vội vã, quận ký quyết định ngày 22-4, thực hiện từ hôm 1-6 rồi gia hạn đến ngày 1-7 và 1-8. Hồi đầu tháng 7, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B ký công văn gửi chúng tôi yêu cầu chấm dứt hoạt động thu gom rác trên địa bàn phường mà không nêu lý do".

Ông Quang lo rằng đời sống của hàng trăm người tại 24 đơn vị thu gom rác trên địa bàn phường Bình Trị Đông B sẽ đi vào ngõ cụt, mất việc làm khi địa phương chọn đơn vị khác thực hiện. Ông mong muốn quận có hướng dẫn cụ thể về việc thu gom, vận chuyển; nếu giao đơn vị khác làm thì có bảo đảm cuộc sống của hàng trăm người đã và đang thu gom rác ở địa phương nhiều năm qua?

Các đơn vị thu gom rác khác trên địa bàn phường Bình Trị Đông B cũng nêu ra những khó khăn, bất cập, đặc thù trong công việc này. Trong đó, đáng lưu ý là vấn đề vốn mua sắm, chuyển đổi sang phương tiện đạt chuẩn để đưa thẳng rác tới nơi xử lý.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng địa phương còn một số vấn đề bất cập trong việc thu gom rác nên cần tìm giải pháp khắc phục để địa bàn sạch rác, bảo đảm mỹ quan đô thị. Theo ông, quận Bình Tân từ khi thành lập đến nay không có công ty dịch vụ công ích thực hiện các công việc liên quan; phải đấu thầu, lựa chọn nhà thầu bên ngoài. Trong khi đó, quận không có trạm trung chuyển rác nên việc thu gom, vận chuyển gặp khó khăn.

Xe thu gom rác tự chế di chuyển trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCMẢnh: Thu Hồng

Xe thu gom rác tự chế di chuyển trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCMẢnh: Thu Hồng

Xe thô sơ chở rác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Quốc Anh

Xe thô sơ chở rác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Quốc Anh

Với Đề án 1627, quận Bình Tân tổ chức lại việc thu gom, vận chuyển rác hiện nay. Nghĩa là các đơn vị sẽ tổ chức từ thu gom đến vận chuyển chứ không thông qua trung gian, khắc phục được việc lấy rác không đúng giờ.

"Có thể người thu gom chưa nắm rõ nên có những phản ứng là bình thường. Quận sẽ tiếp tục thực hiện đề án trên tinh thần trao đổi để tìm lối ra. Đề án này đưa ra không phải để loại bỏ sự tồn tại của lực lượng thu gom rác dân lập trước đây mà là định hướng làm cho tốt hơn" - Chủ tịch UBND quận Bình Tân nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, người dân đã chi trả tiền thu gom, vận chuyển rác nên cần tổ chức lại việc này thành 1 khâu, do 1 đơn vị đảm nhận trên địa bàn. Đơn vị này nhận luôn tiền thu gom và vận chuyển rác. Cách này cũng tạo thêm việc làm cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết sẽ điều chỉnh lại Đề án 1627 cho phù hợp. Quận thống nhất phương án đơn vị đang thu gom rác ở địa bàn nào thì sẽ thí điểm ở địa bàn đó. Các đơn vị thống nhất đầu mối để thực hiện cả khâu thu gom lẫn vận chuyển rác tới nơi xử lý vì trên địa bàn quận không có trạm trung chuyển. Để bảo đảm hiệu quả mục tiêu đề án đề ra, các đơn vị lên phương án tổ chức thu gom, phương tiện vận chuyển, nhân sự để quận ra thông báo thí điểm thực hiện. Đơn vị nào hoàn thành trước thì thí điểm trước, hạn chót là cuối năm nay.

Về chuyện thu tiền qua app, ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay để kiểm soát, quản lý chặt việc đóng tiền rác của người dân. Tiền thu được sẽ chuyển ngay cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Quận, phường cũng sẽ hỗ trợ các đơn vị về trường hợp người dân chậm hoặc không đóng tiền rác.

Xe vận chuyển rác tại một trạm trung chuyển ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Quốc Anh

Xe vận chuyển rác tại một trạm trung chuyển ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Quốc Anh

Thiếu tiền, thiếu xe

Đến nay, TP HCM đã 2 lần gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Hạn chót đến năm 2025, tất cả phương tiện thu gom phải được chuẩn hóa. Thế nhưng, việc chuyển đổi phương tiện rất gian nan.

Vừa là người thu gom vừa là chủ một đường dây rác ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết đã làm nghề này hơn 10 năm. Giá thu tiền rác hiện tại là 65.000 đồng/hộ/tháng.

Theo ông Sơn, khoảng 40% thu nhập của người thu gom rác là từ bán ve chai và nhờ các quán ăn, chủ nhà trọ cho thêm tiền. Ông cho rằng chủ trương chuyển đổi phương tiện thu gom rác của thành phố là đúng. Song, cần thấy rõ thực tế là thu nhập của người thu gom rác chỉ đủ trang trải cuộc sống, nếu phải vay tiền mua chiếc xe 200 - 250 triệu đồng thì vượt quá khả năng. Nếu có phương tiện giá 100 triệu đồng trở lại, họ dễ chuyển đổi hơn.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM), thông tin HTX có 162 thành viên, thu gom rác khu vực quận Bình Thạnh. Đến nay, chưa có phương tiện nào của HTX được chuyển sang xe ép rác. Vài tuần trước, CSGT tịch thu hơn 20 xe thu gom rác khiến nhiều người rất khốn khó.

Theo ông Sáng, thực tế, việc chuyển đổi phương tiện đã được xã viên HTX thực hiện cách đây vài năm với khoảng 60 chiếc được đổi sang xe ép rác theo yêu cầu của thành phố. Thế nhưng, được một thời gian, chủ xe không trang trải nỗi các chi phí - trả lương tài xế, phí đăng kiểm, bảo trì, sửa chữa... - nên đành bán tháo, đóng lại xe thô sơ để chở rác.

"Việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn và mỹ quan đô thị tại một thành phố văn minh, xanh sạch đẹp là rất cần thiết. Tuy nhiên, TP HCM nên xem xét, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm phương tiện xe 3 bánh chạy bằng điện, có thùng thu gom nước rỉ, bảo đảm an toàn, mỹ quan khi vận hành. Phương tiện này có giá thành hợp lý, có thể luồn lách trong các hẻm nhỏ" - ông Sáng đề xuất. (Còn tiếp)

Xây dựng hàng chục trạm trung chuyển đạt chuẩn

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết UBND TP HCM đã định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển rác trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND TP HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường; cải tạo, nâng cấp, xây dựng các trạm mới bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP HCM có 40 trạm (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện) trên địa bàn 19 quận, huyện; đến năm 2050 có 36 trạm (15 trạm khu vực và 21 trạm quận, huyện) trên địa bàn 16 quận, huyện.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện: 4, 8, 12, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè... đang đầu tư xây dựng 16 trạm trung chuyển rác. Trong đó, 3 trạm đã hoàn thành và vận hành (2 trạm ở quận 12 và 1 trạm ở TP Thủ Đức); các trạm còn lại đang thực hiện thủ tục để triển khai theo quy hoạch.

Riêng quận Bình Tân, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết theo kế hoạch của TP HCM thì sẽ xây dựng trạm trung chuyển rác ở địa phương. Tuy nhiên, quận này rà soát lại và không muốn xây dựng trạm trung chuyển nữa.

Quốc Anh - Thu Hồng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-giai-phap-xu-ly-triet-de-rac-thai-thach-thuc-voi-nhiem-vu-kep-196240804172332128.htm
Zalo