Quầng Mặt trời kỳ ảo tiếp tục xuất hiện, chuyên gia cảnh báo thận trọng khi quan sát
Trưa 13/5, người dân nhiều khu vực ở tỉnh Bình Dương và Bình Phước chứng kiến vòng tròn sáng rực bao quanh Mặt trời, kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Sự xuất hiện của Mặt trời đi kèm quầng hào quang thu hút sự chú ý của người dân.
Trưa 13/5, người dân nhiều khu vực ở tỉnh Bình Dương và Bình Phước chứng kiến vòng tròn sáng rực bao quanh Mặt trời, kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Sự xuất hiện của Mặt trời đi kèm quầng hào quang thu hút sự chú ý của người dân. Họ đã dùng điện thoại chụp lại Mặt trời và chia sẻ lên mạng xã hội với bình luận "đây là hiện tượng hiếm gặp".

Quầng Mặt trời ở Bình Phước được người dân chụp lại trưa ngày 13/5.
Sáng nay, nhiều người dân ở TP.HCM cũng thích thú quan sát hiện tượng quầng Mặt trời. Hôm qua, nhiều người dân ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... cũng chụp và chia sẻ hình ảnh quầng Mặt trời kỳ thú lên các tài khoản mạng xã hội.
Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, đây là hiện tượng quầng 22 độ. Quầng sáng Mặt trời, còn gọi là hào quang Mặt trời, một hiện tượng thiên văn có tên khoa học là Halo. Quầng hào quang là những vòng ánh sáng bao quanh Mặt trời hoặc mặt trăng. Chúng thường xuất hiện khi có một lớp mây ti mỏng xuất hiện trên bầu trời. Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là nguyên nhân chính tạo ra quầng Mặt trời.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, bầu khí quyển pha trộn nhiều loại khí, bao gồm khí oxy, nitơ và hơi nước. Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc và sau đó đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng Mặt trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể sẽ làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự hiện tượng xảy ra khi ánh sáng chiếu qua một lăng kính.
Cũng theo nhà nghiên cứu, quầng Mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Do quầng hào quang cần tinh thể băng để hình thành, tinh thể băng thường xuất hiện trong những đám mây ti ở độ cao lớn. Những đám mây này có thể kéo đến nhiều ngày trước khi có khối khí nóng hoặc lạnh có thể mang mưa đến. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.
Chuyên gia cho biết quầng Mặt trời là một hiện tượng thú vị, có nhiều tên gọi khác nhau như: quầng Mặt trời, quang Mặt trời, halo sun, tán Mặt trời… Tuy nhiên hãy cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh quầng Mặt trời. Việc hướng tầm nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà không có thiết bị hỗ trợ đi kèm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt. Đừng bao giờ nhìn thẳng vào Mặt trời, ngay cả khi nó ít sáng hơn qua mây hoặc sương mù.
Mây ti (tiếng La tinh Cirrus, nghĩa là tua cuốn) hay còn được gọi là mây Cirrus là một kiểu mây được đặc trưng bằng các dải mỏng, tương tự như nắm hay túm tóc, lông; thường được kèm theo là các búi hay chùm. Đôi khi các đám mây ti trải rộng đến mức chúng không thể phân biệt được từ nhau bằng thị giác, hình thành nên một tầng mây ti, gọi là mây ti tầng (Cirrostratus, ký hiệu Cs). Đôi khi, sự đối lưu ở các cao độ lớn sinh ra một dạng khác của mây ti, gọi là mây ti tích (Cirrocumulus, ký hiệu Cc hay CC), một kiểu của các búi mây nhỏ, chứa các giọt nhỏ là nước siêu lạnh.