Quảng Bình: Quân dân đồng lòng giữ vững biên giới hòa bình
Thời gian qua, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia luôn được các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình quan tâm, chú trọng.
Nhiều giải pháp đã được lực lượng BĐBP tham mưu, phối hợp, triển khai đồng bộ, qua đó góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Những "cột mốc sống"
Khi bản làng còn yên giấc ngủ, con gà rừng chưa cất tiếng gáy đầu tiên đón chào ngày mới thì già làng Trần Văn Phúc (bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã thức giấc. Hôm nay Đồn Biên phòng Làng Mô (BĐBP tỉnh Quảng Bình) thực hiện kế hoạch tuần tra biên giới, vì vậy, già làng Trần Văn Phúc thức dậy sớm hơn, nhóm bếp chuẩn bị thêm nước uống từ các loại lá rừng để anh em đỡ khát khi băng rừng, lội suối.
Tiết trời se lạnh kèm lất phất mưa xuân. Bất chợt, già làng Trần Văn Phúc nhớ lại những ngày đầu gian khó khi ông quyết định chọn mảnh đất này để sinh sống. Đó là vào đầu năm 1973, được sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP, ông quyết định cùng gia đình và 6 hộ dân khác vượt núi cao, suối sâu đến vùng đất này định cư và lập nên bản Khe Cát bây giờ. Cuộc sống mới đầy vất vả, khó khăn bởi đường sá đèo dốc, thời tiết khắc nghiệt, cơm không đủ no, áo không đủ ấm... Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP, bà con dần thích nghi với cuộc sống mới. Trên những triền dốc, những ngôi nhà nhỏ được dựng lên, bà con được giao đất trồng trọt, chăn nuôi, được giao rừng để chăm sóc, bảo vệ...
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, lực lượng BĐBP thực hiện nhiều hơn những đợt tuần tra biên giới, già làng Trần Văn Phúc (lúc đó là Trưởng bản Khe Cát) được BĐBP mời tham gia cùng anh em. Chuyến đi đầu tiên với già làng Trần Văn Phúc là cùng BĐBP lên bản Dốc Mây để tuần tra đường biên kết hợp kiểm tra tình hình đời sống của bà con dân bản. Sinh ra, lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng đây là lần đầu tiên, già làng Trần Văn Phúc được đặt chân lên biên giới. "Hồi đó chưa có mốc quốc giới, đứng trên ngọn núi cao, nhìn qua bên kia là nước bạn Lào, phía bên này là lãnh thổ nước ta, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, cảm xúc thật thiêng liêng, tự hào", già làng Trần Văn Phúc nhớ lại.
Kể từ đó, đều đặn hằng tháng, già làng Trần Văn Phúc lại cùng BĐBP tham gia hàng trăm chuyến tuần tra biên giới. Mỗi chuyến đi xuyên rừng già thường từ 5 đến 7 ngày, ít thì cũng 3 ngày 3 đêm. Không chỉ mưa rừng, muỗi vắt, rắn rết, anh em trong đoàn còn phải vượt qua nhiều vách đá tai mèo cao vút, sắc nhọn, thậm chí có lúc gặp nguy hiểm từ lũ quét, thú dữ. Giờ đây, khi tuổi cao, sức yếu, già làng Trần Văn Phúc không thể tham gia tuần tra đường biên, cột mốc. Nhưng hành trình những chuyến đi luôn được ông chia sẻ với mọi người. Noi gương ông, các thế hệ con cháu trong gia đình vẫn duy trì đều đặn tiếp bước chân ông cùng BĐBP giữ vững bình yên dải biên cương tươi đẹp.
Chuyện già làng Trần Văn Phúc khiến chúng tôi liên tưởng đến già làng Hồ Mút ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Gần nửa thế kỷ, ông đã tình nguyện trông coi cột mốc 516 trên dãy Giăng Màn. Năm 2020, già làng Hồ Mút qua đời, hai người con trai của ông là Hồ Bông và Hồ Lê vẫn cùng BĐBP tiếp tục công việc thiêng liêng đó.
Chung sức giữ gìn, bảo vệ biên giới bình yên
Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô thông tin, đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài gần 44km; số lượng cột mốc được giao quản lý cũng nhiều nhất với 16 trên tổng số 61 mốc quốc giới tuyến biên giới phía Tây của tỉnh (từ mốc 550 đến mốc 565). Mặc dù địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng đơn vị luôn duy trì thường xuyên, nghiêm túc kế hoạch tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt, trong mỗi chuyến tuần tra luôn có sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, công an, dân quân và những người dân Bru-Vân Kiều đầy tâm huyết, trách nhiệm.
Tại xã biên giới Trường Sơn, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nhì; ông Hồ Bang ở bản Dốc Mây, đồng chí Hồ Văn Giàu, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Trường Sơn; các anh Hoàng Văn Tơn và Hoàng Văn Viêng (là chiến sĩ dân quân cơ động) ở bản Cây Cà... Họ là những điển hình trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" và rất nhiều lần tham gia cùng BĐBP tuần tra biên giới. Đồng chí Nguyễn Văn Nhì tâm sự: "Có đặt chân đến nơi xa xôi nhất, chạm tay vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng mới thấy biên cương Tổ quốc đẹp vô cùng. Chính vì vậy, hành trình lên với mốc quốc giới luôn được các thế hệ đi trước chia sẻ, tuyên truyền cho đồng bào để mọi người luôn nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ bình yên cuộc sống".
Không chỉ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ nơi biên cương, giờ đây, những cột mốc quốc giới đã hiện diện ở vùng đồng bằng thông qua chương trình ngoại khóa "Tiết học biên cương" do Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình thực hiện. Được triển khai thực hiện từ năm 2022, đến nay, các đơn vị BĐBP tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hơn 30 chương trình ngoại khóa "Tiết học biên cương" với hơn 10.000 học sinh tham gia. Đại úy Võ Huy Thắng, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: Những “thầy giáo quân hàm xanh” đã xây dựng kế hoạch, biên soạn giáo án, làm mới các loại mô hình như cột mốc biên giới, báo tường... để phục vụ công tác tuyên truyền trực quan sinh động, đồng thời thu hút được sự chú ý lắng nghe của các em học sinh.
Lần đầu tiên, nhiều em học sinh ở thành phố, trung tâm các huyện, thị xã được chạm tay vào cột mốc; được tiếp cận, tìm hiểu thêm những kiến thức về chủ quyền biên giới quốc gia; truyền thống của lực lượng BĐBP... Chương trình ngoại khóa được tổ chức với nhiều hình thức phong phú như: Văn nghệ, tuyên truyền, hỏi-đáp pháp luật, đối thoại đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Em Trần Tuệ Linh, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Đồng Hải (TP Đồng Hới) hào hứng: "Chương trình đã giúp em và các bạn nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền biên giới, biển, đảo, những vất vả, hy sinh thầm lặng của các chú BĐBP; từ đó chúng em ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức, góp công sức vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới".
Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: "Các đơn vị BĐBP đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, củng cố khối đoàn kết dân tộc, huy động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc".
Thực hiện chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, các đơn vị trên tuyến biên giới luôn duy trì nghiêm túc kế hoạch tuần tra đơn phương; đồng thời định kỳ 3 tháng 1 lần tổ chức tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào. Đặc biệt, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới. Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp xây dựng được 108 công trình “Ánh sáng vùng biên”, 13 công trình nước sinh hoạt; 12 cụm loa “Truyền thanh bản xa”, trị giá hơn 5 tỷ đồng; huy động hơn 7.000 ngày công giúp nhân dân sản xuất 4 mô hình lúa nước. Đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 99 em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-con nuôi đồn biên phòng”, 250 em học sinh trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”; huy động hàng nghìn ngày công phối hợp với các cấp, ngành làm mới và sửa chữa hơn 150 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, mái ấm biên cương cho các đối tượng khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáo...
Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày thêm khởi sắc. Các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức cùng BĐBP gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, cung cấp thông tin giúp lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.