Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới qua các hợp tác văn hóa
Sau hợp tác với Viện Văn học Pakistan, mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức văn học và văn hóa Đài Loan (Trung Quốc), mở ra những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dịch thuật và quảng bá văn học Việt ra thế giới. Hy vọng, những ký kết này sẽ góp phần thúc đẩy hành trình xuất khẩu văn học Việt ra nước ngoài một cách bài bản và có chiến lược hơn.
Nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ngày 22/9/2024, tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị cho hai nhà thơ cựu binh Mỹ, những người đã có đóng góp quan trọng trong việc dịch và truyền bá văn học Việt Nam tới bạn đọc Mỹ ngay từ những năm tháng quan hệ Việt Nam và Mỹ còn băng giá và nhiều thù địch.
“Sau chiến tranh, khi các chính khách, các nhà ngoại giao của Việt Nam và Mỹ không thể đến đất nước của nhau để cất tiếng nói về dân tộc mình thì các nhà văn đã trở thành những sứ giả hòa bình đầu tiên của mỗi dân tộc. Và, văn học đã trở thành tiếng nói chính thống, tin cậy và thuyết phục để hai dân tộc có một cái nhìn đúng nhất về nhau và tiến tới một quan hệ tốt đẹp như hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Văn học mở ra những cánh cửa để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, vì thế công tác dịch thuật, quảng bá văn học Việt ra nước ngoài vô cùng quan trọng. Nhiều năm qua, chúng ta đã bằng nỗ lực của các tổ chức đoàn thể, cá nhân đưa văn học Việt ra thế giới. Hội Nhà văn cũng đã có nhiều hoạt động tích cực như tổ chức được nhiều hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, các liên hoan thơ quốc tế với sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ nhiều nước. Và, gần đây là hợp tác với Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan...
Việc Hội Nhà văn Việt Nam tăng cường các hợp tác quốc tế là một dấu ấn quan trọng trên hành trình đưa văn chương Việt ra nước ngoài. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất và tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc. Khi chúng ta xuất khẩu văn chương để giúp thế giới đi đến sự hiểu biết hơn nữa những vẻ đẹp lương tri, những khát vọng lớn lao của mỗi dân tộc”.
Vì thế, các hợp tác này sẽ tăng cường kết nối, giao lưu và quảng bá văn chương Việt ra thế giới. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Viện Văn học Pakistan sẽ tiến hành dịch sang tiếng Urdu "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du và “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ dịch, xuất bản và giới thiệu với các nhà văn và bạn đọc Việt Nam tuyển tập 100 bài thơ của các nhà thơ Pakistan.
Đó là sẽ một mối quan hệ hai chiều để trao đổi và giao lưu, giới thiệu, quảng bá văn hóa. Đó là các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà văn, nhà thơ, trí thức, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội và học giả; phối hợp tổ chức các hội chợ sách tại mỗi nước; tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về các chủ đề cùng quan tâm trong lĩnh vực văn học tại mỗi nước theo cơ chế luân phiên; tổ chức dịch tác phẩm văn học của nhà văn hai nước; xuất bản sách của nhà văn hai nước; đăng tải thơ và các tác phẩm văn học khác lên trang web chính thức của hai bên; tổ chức khóa đào tạo cho các nhà văn, nhà thơ và trí thức hai nước trên cơ sở có đi có lại; trao các giải thưởng văn học cho nhà văn và nhà thơ của cả hai nước trên cơ sở có đi có lại; các hoạt động khác nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn học, văn hóa và sáng tác được cả hai bên thỏa thuận.
Như vậy, con đường quảng bá văn học Việt ra nước ngoài sẽ càng mở rộng và đi chính ngạch thay vì trước đây, vẫn chỉ là sự nỗ lực của từng cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ.
Thực tế, nhiều tác phẩm văn học đương đại đã bước ra thế giới và đoạt giải thưởng như: Năm 2017, thơ của tác giả Mai Văn Phấn giành Giải thưởng Văn học Cikada của Thụy Điển; năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao Giải thưởng Văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc; năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng ở Frankfurt (Đức) - giải do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh bình chọn cho tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức)... Mới đây, truyện ngắn “Những biển” của chị được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024 do Tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tuyển chọn.
Nhiều tác phẩm nổi bật của văn học nước nhà cũng được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể kể đến: Tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của Nguyễn Bình Phương; tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà; “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh; bộ tác phẩm “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh; các tuyển tập thơ, văn 10 thế kỷ văn học Việt Nam; tuyển tập thơ “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng”... Gần đây, có nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai mở lối một hướng đi mới, khi tự thực hành viết văn bằng tiếng Anh.
Hành trình quảng bá văn học Việt ra nước ngoài có những thành tựu nhưng thực tế, chúng ta cũng chỉ mới giới thiệu được một số tác giả cơ bản và nổi tiếng mà thôi. “Để hiệu quả, cần phải có một chiến lược dài hơi. Các nước bạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã vươn ra thế giới đầy mạnh mẽ, đồng bộ với những trung tâm, quỹ cho hoạt động đào tạo, dịch thuật, quảng bá...” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định. Ông cũng cho rằng, hiện nay, điều quan trọng là cơ chế phối hợp với dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài để họ sẵn sàng hợp tác, trao đổi bản quyền. Hiện, các tác phẩm của nhà văn Việt Nam dịch ra thế giới chủ yếu dựa vào uy tín cá nhân, do các dịch giả, các nhà văn trên thế giới cảm mến chứ rất ít nhà xuất bản, tổ chức quy mô, uy tín trên thế giới tham gia.
Kỳ vọng vào nhà văn trẻ
Một trong những hy vọng lớn về quá trình hội nhập quốc tế của văn học Việt Nam là vai trò của tác giả trẻ. Theo nhà phê bình văn học PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh tại hội thảo “Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế”, văn học trẻ của chúng ta chưa mạnh, chưa nổi bật, nhưng nếu chọn tác giả để đầu tư dịch thuật thì vẫn có, như: Nguyễn Thị Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang, Lê Vũ Trường Giang, Hiền Trang, Nguyễn Trần Khải Duy... “So với văn học trẻ thế giới, mặt bằng tác phẩm văn học của các nhà văn trẻ Việt Nam không thua kém. Bởi vì bây giờ thị hiếu, thẩm mỹ của thế giới rất đa dạng; đâu cứ phải là tinh hoa, là bác học mới dịch được. Có thể, văn học trẻ của chúng ta đôi khi sẽ chạm đến những rung động nào đó của độc giả nước ngoài thì người ta sẽ thích thôi”, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ.
Vừa qua, Hội nghị người viết trẻ TP Hồ Chí Minh 2024 ghi nhận lần đầu tiên có sự tham gia của các tác giả thuộc thế hệ công dân toàn cầu, sáng tác văn học bằng cả tiếng Việt và các ngoại ngữ khác là Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008), từng đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022 và Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007), từng đoạt Giải A của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Ngoài Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022, bộ tiểu thuyết 3 tập “Người sao Chổi” của Cao Việt Quỳnh còn được giới thiệu tại Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20, Hội sách quốc gia Thái Lan lần thứ 50, Hội sách quốc tế Bắc Kinh lần thứ 30...
Nhà văn Hiền Trang (sinh năm 1993) chia sẻ, khi tham gia khóa đào tạo viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ) năm 2022, cô nhận được nhiều cơ hội tốt, trong đó có sự ghi nhận và tôn trọng từ bạn bè quốc tế. Ở các nước phát triển, nghề viết là công việc được xã hội đánh giá cao, ghi nhận tương xứng.
Trong danh sách 16 tác phẩm được Giải PEN Translates (Giải thưởng Dịch thuật của Hiệp hội Văn bút Anh) vừa được công bố mới đây, có 2 tác phẩm của Việt Nam là “Biên sử nước” của Nguyễn Ngọc Tư và “Thang máy Sài Gòn” của Thuận. Cả hai tác phẩm đều do dịch giả Nguyễn An Lý dịch sang tiếng Anh. Đặc biệt, năm ngoái, dịch giả Nguyễn An Lý đã nhận được Giải thưởng National Translation cho dịch phẩm “Chinatown” - tiểu thuyết của nhà văn Thuận do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2005.
Rõ ràng, xuất khẩu văn học Việt ra nước ngoài vẫn là một vỉa quặng còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là những tác giả trẻ của văn học Việt Nam đương đại. Nếu như trước đây, hành trình đó chủ yếu là nỗ lực của các cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ thì những ký kết hợp tác của Hội Nhà văn vừa qua sẽ thúc đẩy hành trình quảng bá văn học Việt ra nước ngoài một cách có chiến lược và dài hạn hơn. Hành trình đó kỳ vọng rất nhiều vào các nhà văn trẻ, họ có ngoại ngữ, có tình yêu với văn chương và mang trong mình khát vọng toàn cầu hóa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Để hội nhập quốc tế, họ vừa phải giữ được bản sắc văn hóa Việt, vừa thể hiện được tài năng, phong cách và bản lĩnh của mình”.