Vẻ đẹp lộng lẫy của bửu tán ngai vàng điện Thái Hòa sau tu bổ
Bửu tán là lọng quý trang trí trên ngai vua, thể hiện sự uy nghi, trang trọng và linh thiêng của không gian vua ngự.
Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Hoàng thành của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn. Đặc biệt trong điện Thái Hòa có ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua. Phía trên ngai vàng có bửu tán thếp vàng và pháp lam lộng lẫy. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bệ bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Bửu tán là cái lọng quý báu, trang trí trên ngai vua, thể hiện sự uy nghi, trang trọng và linh thiêng của không gian vua ngự. Dưới thời vua Gia Long, bửu tán được làm từ vải gấm. Đến năm 1923, nhân dịp lễ "Tứ tuần đại khánh", vua Khải Định cho làm bửu tán bằng gỗ thếp vàng để thể hiện sự xa hoa, quyền quý.
Bửu tán được chạm khắc tinh xảo hình ảnh chín con rồng uốn lượn với con rồng lớn nhất ở chính giữa miệng ngậm chữ "Thọ". Hình tượng điêu khắc Cửu long tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, sự trường thọ và phúc đức. Quanh các góc có tua rủ mềm mại, uyển chuyển, tạo nên tổng thể vô cùng lộng lẫy và oai nghiêm.
Điện Thái Hòa và bửu tán là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng Quần thể Di tích Cố đô Huế. Công trình này sẽ được khánh thành vào ngày 23/11 (dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam) sau gần 3 năm trùng tu.
Một số hình ảnh bửu tán ngai vàng và không gian bên trong điện Thái Hòa sau quá trình trùng tu, với đầy đủ vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy và giàu giá trị văn hóa lịch sử: