Quảng bá âm nhạc truyền thống qua mô hình sân khấu nhỏ

Một chiều đầu hè, không gian ven hồ Tây trở thành điểm hẹn văn hóa đầy cảm xúc, khi tổ chức Friends of Vietnam Heritage (FVH) phối hợp cùng Nhóm Xẩm Hà thành tổ chức buổi giao lưu hát xẩm. Diễn ra tại một ngôi nhà nhỏ mang phong cách truyền thống giữa nội đô, sự kiện thu hút nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cùng một số khán giả yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Giao lưu hát xẩm tại Mita House do Tổ chức Friends of Vietnam Heritage (FVH) phối hợp cùng Nhóm Xẩm Hà thành tổ chức.

Giao lưu hát xẩm tại Mita House do Tổ chức Friends of Vietnam Heritage (FVH) phối hợp cùng Nhóm Xẩm Hà thành tổ chức.

Giới thiệu xẩm đến du khách quốc tế

Dù quy mô không lớn, số lượng khách mời giới hạn, buổi giao lưu đã thực sự trở thành một cầu nối văn hóa - nơi nghệ thuật xẩm được lan tỏa theo cách gần gũi, chân thực nhất.

Không đơn thuần là buổi biểu diễn, chương trình giao lưu do FVH tổ chức mang đến cho khán giả một trải nghiệm đa chiều: Được nghe, được cảm, được trao đổi, thậm chí được thử sức với những nhạc cụ dân tộc. Đây chính là điều khiến xẩm đến gần hơn với người nghe hiện đại, đặc biệt là những khán giả quốc tế chưa từng biết đến loại hình nghệ thuật này.

Ngoài những gương mặt quen thuộc như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Văn Hải..., buổi giao lưu còn là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ thể hiện vai trò kế tục. Chẳng hạn như Phạm Trang (đàn bầu), hay Nam Khánh (sáo trúc) - những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết của Nhóm Xẩm Hà thành - vừa tham gia biểu diễn, vừa chủ động chia sẻ về quá trình học hỏi, thực hành và sáng tạo cùng nghệ thuật xẩm. Với phong cách biểu diễn tự nhiên và cách tiếp cận gần gũi, họ góp phần tạo nên sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp khán giả trẻ và người nước ngoài cảm nhận được sự sống động của loại hình nghệ thuật này.

Điểm nổi bật của chương trình là cách kể chuyện lồng ghép trong âm nhạc. Dẫn dắt và kể chuyện trong buổi giao lưu là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long - người đã dành nhiều năm tâm huyết để phục dựng và phát triển nghệ thuật xẩm. Anh chia sẻ về hành trình của những nghệ nhân mù, rong ruổi khắp nơi mưu sinh bằng tiếng hát, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn xẩm không chỉ ở phần âm nhạc mà cả bối cảnh văn hóa đi kèm.

Sự xuất hiện của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - học trò của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - đã làm không khí thêm lắng đọng. Chị không chỉ thể hiện các làn điệu cổ mà còn kể những câu chuyện chân thực về đời sống của các nghệ sĩ xẩm, những lựa chọn đôi khi bất ngờ, nhưng luôn chất chứa đam mê và lòng kiên trì với một di sản có lúc tưởng đã lùi vào dĩ vãng.

Khán giả không chỉ là người thưởng thức mà còn là người tham gia. Sau mỗi tiết mục, các nghệ sĩ mời khách mời thử chơi nhạc cụ, bắt nhịp theo làn điệu, thậm chí học hát một câu xẩm ngắn. Những tiếng cười xen lẫn tiếng vỗ tay vang lên, tạo nên bầu không khí ấm áp, thân thiện, phá bỏ mọi rào cản ngôn ngữ hay văn hóa. Trong tiết mục giao lưu cuối chương trình, hai vị khách mời đến từ Pháp và Nhật Bản đã ngẫu hứng tham gia hòa tấu cùng các nghệ sĩ, sử dụng sáo và bộ gõ đơn giản. Dù chỉ là những âm thanh mộc mạc, nhưng khoảnh khắc giao thoa ấy đã thể hiện tinh thần học hỏi và tôn trọng văn hóa bản địa - đúng với tinh thần mà FVH hướng tới trong mọi sự kiện.

Hiệu quả từ mô hình sân khấu nhỏ

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - gương mặt quen thuộc trong các chương trình trình diễn xẩm đương đại - chia sẻ rằng mỗi lần biểu diễn trong không gian nhỏ và ấm cúng như sự kiện lần này đều mang đến cho chị những cảm xúc đặc biệt. "Việc được biểu diễn trong một không gian gần gũi giúp tôi tiếp cận khán giả rõ hơn, cảm nhận được sự hào hứng của họ khi cùng hòa nhịp với tiết mục. Từ đó, tôi cũng thấy được cách xẩm bắt đầu len lỏi vào đời sống tinh thần của họ” - nghệ sĩ chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc tổ chức biểu diễn xẩm trong không gian nhỏ không chỉ tạo điều kiện để nghệ nhân và khán giả xích lại gần nhau hơn, mà còn mang đến những trải nghiệm nghệ thuật giàu cảm xúc và chiều sâu. Chính sự gần gũi và tính tương tác ấy khiến khán giả không chỉ lắng nghe mà còn thực sự tham gia vào câu chuyện văn hóa đang được kể bằng lời ca, tiếng phách. Từ đó, có thể khẳng định rằng đây là một cách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, những tín hiệu lạc quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật xẩm cũng được chia sẻ. Chẳng hạn như việc các nghệ sĩ trẻ của Nhóm Xẩm Hà thành đã đưa xẩm lên nền tảng số, tạo video minh họa, kết hợp xẩm với yếu tố hiện đại để thu hút người trẻ. Đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược, giúp xẩm “sống khỏe” trong môi trường cạnh tranh của văn hóa giải trí đương đại.

Tổ chức Friends of Vietnam Heritage, vốn được sáng lập bởi những người nước ngoài yêu mến văn hóa Việt, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa di sản Việt Nam và bạn bè quốc tế. Với tinh thần học hỏi, khám phá và tôn trọng văn hóa bản địa, FVH không chỉ tổ chức các tour tham quan bảo tàng, làng nghề, mà còn tổ chức các buổi tọa đàm, biểu diễn quy mô nhỏ nhưng đầy chất lượng. Qua đó, họ đang góp phần lan tỏa tình yêu với các giá trị truyền thống một cách tự nhiên, bền vững.

Sắp tới, FVH và Nhóm Xẩm Hà thành còn lên kế hoạch tổ chức các buổi giao lưu theo chủ đề cụ thể, như xẩm trong đời sống đô thị xưa, xẩm với đề tài thời sự, hoặc xẩm kể chuyện dân gian. Đây là hướng đi cho phép khai thác chiều sâu nội dung của xẩm, đồng thời tạo điều kiện để công chúng hiểu rõ hơn về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của loại hình này. Những buổi giao lưu theo chủ đề cũng sẽ mở rộng cơ hội hợp tác với các lĩnh vực khác như sân khấu, điện ảnh, truyền thông, giúp xẩm lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống văn hóa đương đại.

Ngô Ngọc Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quang-ba-am-nhac-truyen-thong-qua-mo-hinh-san-khau-nho-703384.html
Zalo