Quản trị biến đổi khí hậu: Từ ứng phó đến miễn nhiễm
Quản trị biến đổi khí hậu là một hành trình phải bắt đầu từ HĐQT, nơi hoạch định chiến lược, tầm nhìn và thiết lập chuẩn mực cho doanh nghiệp.
Rủi ro hiện hữu
Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm xa vời mà đã và đang hiện diện trong từng khâu vận hành của nền kinh tế. Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng như hạn hán, bão lũ, nắng nóng kéo dài hay nước biển dâng cao, rủi ro khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, mà còn gây tổn thất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Simon C.Y. Wong, Trưởng khoa Tài chính bền vững Viện lãnh đạo phát triển bền vững Cambridge (CISL), dẫn báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho thấy biến đổi khí hậu đã vượt lên trở thành mối quan tâm lớn nhất của người dân trong khu vực, với 55,3% số người khảo sát bày tỏ lo ngại, cao hơn cả thất nghiệp hay suy thoái kinh tế.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 70,3%, mức cao nhất khu vực kể từ năm 2019, cho thấy mức độ cấp thiết của vấn đề này.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đặc biệt trong các ngành phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện tự nhiên như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng hay bất động sản.
Với những doanh nghiệp như Công ty CP Phúc Sinh(Phúc Sinh), đơn vị xuất khẩu hàng đầu trong lĩnh vực nông sản (tiêu, cà phê, điều, gia vị), biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm ẩn, mà đã trở thành rủi ro hiện hữu.
Nắng hạn kéo dài khiến sản lượng và chất lượng nông sản sụt giảm, trong khi mưa bão bất thường làm hư hại mùa vụ, gia tăng chi phí bảo quản sau thu hoạch. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng thúc đẩy sự phát triển của sâu bệnh, làm tăng chi phí sản xuất và rủi ro mất mùa.

Quản trị khí hậu phải bắt đầu từ HĐQT, nơi đưa ra những chiến lược quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh Quỳnh Anh
Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với rủi ro khí hậu đòi hỏi không chỉ là sự linh hoạt trong vận hành, mà còn cần một hệ thống quản trị mạnh mẽ từ thượng tầng, nơi mà Hội đồng quản trị (HĐQT) đóng vai trò then chốt.
“Quản trị khí hậu không còn là lựa chọn, mà là hành trình tất yếu. Và hành trình ấy phải bắt đầu từ HĐQT, nơi hoạch định chiến lược, kiến tạo tầm nhìn và thiết lập chuẩn mực cho toàn doanh nghiệp”, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh nói tại hội thảo "Quản trị biến đổi khí hậu: chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp".
Giúp doanh nghiệp “miễn nhiễm” với những cú sốc biến đổi khí hậu
Yếu tố môi trường (E trong ESG) ngày càng quyết định đến khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, việc tích hợp rủi ro khí hậu vào chiến lược kinh doanh là điều tất yếu.
Từ việc đầu tư công nghệ xanh, giảm phát thải carbon, tái cấu trúc chuỗi cung ứng đến đổi mới sản phẩm, mọi quyết định mang tính chuyển đổi đều cần sự chỉ đạo trực tiếp từ HĐQT.
Tại Công ty CP Secoin, một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, bà Võ Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, triết lý phát triển bền vững đã được doanh nghiệp theo đuổi từ những năm 1990, khi chưa ai bàn nhiều đến khái niệm "xanh".
“Chiến lược bền vững không thể là nỗ lực đơn lẻ mà phải lan tỏa toàn chuỗi cung ứng, từ việc chọn nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho tới tiêu thụ. Đó là một tư duy hệ thống mà HĐQT cần kiến tạo và dẫn dắt”, bà Hương nói.
Không dừng lại ở việc hoạch định chiến lược, HĐQT còn phải là người giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các cam kết về khí hậu. Việc yêu cầu các báo cáo tiến độ, thiết lập KPIs cho yếu tố ESG, đánh giá rủi ro thường xuyên và điều chỉnh kịp thời là những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch.
Đặc biệt, việc công bố thông tin theo các khung chuẩn quốc tế như lực lượng đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin với nhà đầu tư, khách hàng và đối tác trong xu hướng tài chính xanh toàn cầu.
Song hành với đó, để HĐQT thực sự trở thành đầu tàu trong quản trị khí hậu, việc nâng cao năng lực nội tại là yếu tố sống còn. Các thành viên HĐQT cần được trang bị kiến thức chuyên sâu về ESG, tiếp cận xu hướng chính sách và công nghệ mới, hiểu rõ rủi ro và cơ hội từ khí hậu để đưa ra quyết định đúng đắn.
Việc đào tạo chuyên biệt, bổ sung nhân sự chuyên môn cao hoặc thành lập các tiểu ban về bền vững, khí hậu là những bước đi cụ thể giúp HĐQT thực thi tốt hơn vai trò của mình.
Trên hết, thành công trong quản trị rủi ro khí hậu còn phụ thuộc vào tinh thần lãnh đạo với tầm nhìn xa và cam kết thực chất từ người đứng đầu. Đơn cử như Phúc Sinh, trong hai năm đầu tiên theo đuổi chiến lược ESG, doanh nghiệp đã chi hơn 5 tỷ đồng cho chuyên gia và nghiên cứu mà không đạt kết quả như mong đợi.
Tuy nhiên, ông Phan Minh Thông cho rằng, nếu người lãnh đạo không tin vào giá trị bền vững thì mọi nỗ lực sẽ nhanh chóng chững lại. Lãnh đạo doanh nghiệp phải nhìn thấy bức tranh dài hạn, thay vì chỉ chăm chăm vào lợi nhuận ngắn hạn.
Đó là lý do vì sao Phúc Sinh vẫn kiên định theo đuổi ESG để từng bước chinh phục thị trường Châu Âu và các đối tác hàng đầu tại Mỹ. Đây là những thị trường yêu cầu rất cao về phát triển bền vững.
Không chỉ lãnh đạo bằng hành động, HĐQT còn phải trở thành “người truyền lửa”, tạo ra một văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm môi trường. Khi thông điệp bền vững được phát đi từ thượng tầng, nó sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới toàn bộ tổ chức, từ nhân viên vận hành cho đến các đối tác trong chuỗi giá trị.
Trong kỷ nguyên kinh tế xanh, nơi mà yếu tố môi trường ngày càng định hình lợi thế cạnh tranh, một HĐQT vững mạnh, có năng lực và cam kết cao với phát triển bền vững chính là tấm khiên vững chắc giúp doanh nghiệp “miễn nhiễm” tốt hơn trước những cú sốc khí hậu.
Xa hơn, đó còn là đòn bẩy để doanh nghiệp dẫn đầu, không chỉ trên phương diện thị trường, mà còn trong việc kiến tạo tương lai chung bền vững cho xã hội và hành tinh.