ĐBSCL: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa
Từ khi triển khai thực hiện Đề án sản xuất bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh triển khai vùng sản xuất lúa có ứng dụng công nghệ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao; qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lúa gạo, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở những vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ, đồng ruộng được điều tiết nước tự động thông qua hệ thống cảm biến và hệ điều hành thông minh trong quản lý nước, phân bón; có thiết kế và sử dụng phần mềm quản lý ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đồng thời, áp dụng đồng bộ giải pháp về giống lúa và bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng lúa gạo, cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quá trình thâm canh, nông dân được hướng dẫn áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng phân bón và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc sinh học, hữu cơ… Hầu hết nông dân đã áp dụng các mô hình trên 80% diện tích gieo trồng mỗi năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ.

Đưa cơ giới vào thu hoạch lúa giúp giảm công lao động
Nông dân Nguyễn Văn An, ngụ huyện Vĩnh Lợi, cho biết trước đây, chi phí trồng lúa từ 20 - 22 triệu đồng/ha. Từ khi áp dụng mô hình tưới ngập khô xen kẽ chi phí đầu vào giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất lúa từ 6 - 7 tấn/ha nay tăng lên 9 - 10 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha.
Nhận thấy, mô hình tưới ngập khô xen kẽ đạt hiệu quả nên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Hưng ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi nhân rộng ra toàn diện tích với 100% xã viên áp dụng vào sản xuất.
Ngoài mô hình sản xuất trên, HTX Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình cũng đã xây dựng quy trình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX được tổ chức FAO cấp Giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 60ha với 42 hộ xã viên. Trong quá trình sản xuất lúa, các xã viên luôn thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, lúa giống, phân bón, nước, ghi chép sổ nhật ký đầy đủ…
Tại tỉnh Cà Mau, địa phương cũng tạo dựng được một số vùng trồng lúa chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Ở giai đoạn 2020 – 2024, tỉnh đã thực hiện trên 50 mô hình sản xuất lúa các loại (lúa an toàn, lúa hữu cơ, lúa sinh thái, lúa - tôm, lúa - cá, lúa - màu…) và xây dựng 3 vùng nguyên liệu lúa: vùng lúa chất lượng cao 25.000ha, vùng lúa thơm đặc sản 10.000ha và vùng lúa chế biến (OM 576, OM 2517) 5.000 ha. Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2020 - 2022, địa phương xây dựng được 22 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, với diện tích 8.000ha, sản lượng tiêu thụ 40.000 tấn lúa, chiếm 8% so sản lượng lúa toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Thái, nông dân ở huyện Trần Văn Thời, cho biết gia đình ông có gần 2ha đất sản xuất lúa. Trước đây, do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh nên mùa màng thất bát. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cùng với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp đến tận nhà tìm hiểu tình hình sản xuất và hướng dẫn kỹ từng khâu, từ chọn giống gieo sạ đến cách theo dõi cây lúa phát triển… nên những năm qua gia đình ông luôn trúng mùa, sản lượng lúa thu hoạch đạt năng suất hơn 15 tấn/vụ.
“Qua theo dõi thực tế cho thấy, lúa trong mô hình ứng dụng công nghệ mang lại lợi nhuận tăng thêm bình quân từ 4 triệu đồng/ha nhờ giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trung mình mỗi ha đất trồng lúa, nông dân lợi nhuận trên 40 triệu đồng, tăng khoảng 10 triệu đồng so với sản xuất truyền thống”, ông Thái nói.
Giảm phát thải
Mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2025 là triển khai xuống giống lúa chất lượng cao trên 28.000ha theo định hướng phát thải thấp. Đến năm 2030, diện tích gieo sạ sẽ tăng lên 46.000ha, hướng đến hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa nên đời sống của bà con nông dân được nâng lên nhờ có nguồn thu nhập ổn định
Để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được và nâng cao giá trị lúa gạo, hướng đến xây dựng thương hiệu, tỉnh Bạc Liêu đã hướng dẫn nông dân đẩy mạnh canh tác lúa ứng dụng công nghệ. Đồng thời mở rộng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất; sử dụng máy móc thay sức người nhằm nâng cao hiệu quả lao động, đảm bảo sức khỏe cho người dân; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, tỉnh Bạc Liêu hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cạn kết hợp nuôi trồng thủy sản, luân canh cây trồng cạn trên đất trồng lúa.
Ông Phạm Văn Mười, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho hay hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai xây dựng mô hình thí điểm và hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) trong thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đạt hiệu quả cao, làm cơ sở khuyến cáo, lan tỏa trong cộng đồng, tạo được lòng tin của bà con nông dân tham gia vào đề án.
“Ngành nông nghiệp địa phương sẽ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, hội thảo, đào tạo, tập huấn nhằm chuyển giao mạnh mẽ thành tựu khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa cho bà con nông dân nhằm làm giảm chi phí, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, đề án góp phần hình thành, thúc đẩy chuỗi sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, thích ứng tốt với môi trường và biến đổi khí hậu”, ông Mười cho hay.