Quan tâm hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội
Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 (Đề án 938). Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đề án đã có những tác động tích cực trong việc hỗ trợ chị em trên địa bàn tỉnh tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Triển khai Đề án, hàng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, đơn vị thực hiện gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội và phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM)”. Đồng thời ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác gia đình, trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Y tế… tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Đề án gắn với chủ đề hàng năm như: “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tuyên truyền các Luật: Bình đẳng giới, Hôn nhân gia đình, Phòng, chống bạo lực gia đình, các nghị quyết, chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, các chính sách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, kiến thức chăm sóc sức khỏe, kỹ năng nuôi dạy con tốt… Ngoài ra, các cấp Hội còn mời các chuyên gia, diễn giả, báo cáo viên trao đổi chia sẻ về các vấn đề: giáo dục về giá trị gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em; tổ chức các diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng sống, chăm sóc gia đình tới hội viên phụ nữ và cộng đồng. Trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh tổ chức Diễn đàn “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” thu hút gần 300 đại biểu tham dự; tổ chức hội nghị chuyên đề “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” tại 3 huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, thu hút 650 đại biểu dự nghe. Hội Phụ nữ cấp cơ sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội thi, nói chuyện tập trung vào các chuyên đề: “Giữ gìn hạnh phúc gia đình và chăm sóc nuôi dạy con thời kỳ công nghệ 4.0”; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại trẻ em… thu hút 40.870 hội viên phụ nữ ở 2.150 chi hội tham gia.
Triển khai Đề án 938, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Theo đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai, nhân rộng mô hình nhóm cha mẹ về chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cán bộ chuyên trách Hội cấp tỉnh, 9 huyện, thành phố và các cơ sở điểm của tỉnh nhằm cung cấp các kiến thức, nội dung về chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được gần 3.000 nhóm cha mẹ thuộc các địa bàn dân cư, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục cho cha mẹ có kiến thức, phương pháp chăm sóc để con có điều kiện phát triển
toàn diện.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp còn thành lập, duy trì hoạt động của 2 tổ tư vấn pháp luật tại xã Trực Chính (Trực Ninh) và xã Tam Thanh (Vụ Bản). Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, toàn tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng NTM” tại 100% chi hội phụ nữ. 100% cơ sở Hội xây dựng và củng cố được 349 mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; duy trì và củng cố hoạt động của 485 mô hình “Địa chỉ tin cậy”, 188 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”, 102 CLB “Phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Không có người thân nghiện ma túy và vi phạm pháp luật"…
Các cấp Hội tổ chức các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án, đưa nội dung giám sát phản biện xã hội vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới, bạo lực gia đình phục vụ cho hoạt động vận động chính sách. Hàng năm, các cấp Hội lựa chọn các vấn đề ưu tiên để giám sát, tập trung đẩy mạnh công tác giám sát, đối thoại chính sách, đề xuất chính sách có liên quan đến phụ nữ và các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức và tham gia trên 1.000 cuộc giám sát. Riêng trong năm 2024, các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp thực hiện 205 cuộc giám sát. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 3 cuộc; cấp huyện 27 cuộc; cấp cơ sở 175 cuộc. Qua giám sát, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách với phụ nữ địa phương, làm căn cứ đề xuất chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tham gia lấy ý kiến đóng góp, phản biện xã hội vào các dự thảo luật, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và xây dựng NTM. Kết quả, cũng trong năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 724 hội nghị lấy ý kiến, trong đó 6 hội nghị cấp tỉnh, 40 hội nghị cấp huyện, 678 hội nghị cấp xã, phường, thị trấn.
Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án 938 đã mang lại hiệu quả bước đầu, phát huy tính chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, từ đó góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động của Đề án; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, trong đó chú ý đến nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ ở các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo họ được tiếp cận với nội dung tuyên truyền; thường xuyên phối hợp tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với phụ nữ nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động giám sát thực hiện pháp luật liên quan đến phụ nữ; đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện các vụ việc liên quan đến phụ nữ đối với các cơ quan chức năng. Xây dựng, nhân rộng, nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ. Phát hiện, nhân rộng, tuyên truyền các điển hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án.