Quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non
Giáo dục mầm non là bậc học nền tảng đầu tiên và quan trọng, có tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục ở bậc học tiếp theo. Các cơ sở giáo dục đào tạo, các giáo viên... cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Hỗ trợ giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Hoàng Thị Dinh cho biết, theo số liệu tổng kết năm học 2023-2024, cả nước hiện có 15.256 trường mầm non, trong đó có 12.072 trường công lập và 3.184 trường ngoài công lập (tỉ lệ 21%), ngoài ra còn có 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 34,6%, trẻ mẫu giáo là 93,6%.
Tại 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp có 13.137 cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em trong đó tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%.
Những chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, giảm bớt khó khăn đối với công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non ở khu vực này.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả, theo bà Hoàng Thị Dinh, hiện còn nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục mầm non cho địa bàn đô thị, khu công nghiệp, như: Công tác quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ; cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non chưa đủ mạnh; một số địa phương chưa phát huy rõ vai trò của các ban, ngành đoàn thể trong việc hỗ trợ ngành giáo dục theo dõi, quản lý, hỗ trợ hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.
Bà Lương Thị Biểu, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GDĐT Bắc Ninh cho hay: Địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và lao động đến từ các địa phương khác. Kết thúc năm học 2023-2024, tỉnh Bắc Ninh có 117 trường mầm non, 220 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số có 25.132 trẻ mầm non là con công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ xã hội hóa, đầu tư xây dựng, phát triển giáo dục mầm non. Nhờ đó, quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của con em công nhân khu công nghiệp… Tuy nhiên, địa phương vẫn còn những khó khăn trong xây dựng trường mầm non tư thục chất lượng cao, thu hồi thiết bị đã đầu tư từ các cơ sở mầm non dừng hoạt động, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều…
Giải pháp nâng cao chất lượng
Đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị và nơi có khu công nghiệp, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng: Cần tính toán cụ thể đến dân số, chất lượng dân số để có chính sách phù hợp, đa dạng hóa hình thức tổ chức các loại hình giáo dục. Trong đó, cũng cần quan tâm đến nhóm bảo mẫu gia đình. Đội ngũ này sẽ giảm áp lực cho các cơ sở công lập nhưng cần được đào tạo, bồi dưỡng thì mới được hoạt động.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, cần kêu gọi trách nhiệm của xã hội trong tham gia phát triển giáo dục mầm non; đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng phục vụ đối tượng trẻ em dưới 12 tháng tuổi giáo dục sớm, phát triển cá nhân.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị có dự báo tổng thể về tình hình lao động, số lượng trẻ, nhu cầu cơ sở vật chất, giáo viên mầm non của từng địa bàn, số lượng di cư, số lượng con em công nhân cần gửi ngoài giờ… để có những giải pháp thiết thực. Đồng thời, cần nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ban ngành, để phối hợp thực hiện một cách hiệu quả…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GĐĐT Nguyễn Thị Kim Chi thông tin, trong 10 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp - nơi có nhiều lao động và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Điều này góp phần giải quyết khó khăn đối với giáo dục mầm non ở khu vực này, giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động sản xuất. Hiện cả nước có 59/63 tỉnh/thành phố có khu công nghiệp, phần lớn đều tập trung ở địa bàn các đô thị, là nơi tập trung nhiều lao động và có nhu cầu cao về dịch vụ giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục mầm non cho các địa bàn này như: Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ. Cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp còn chưa đủ mạnh; chính sách đối với trẻ em, giáo viên ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động còn thấp, chưa bao phủ được hết các đối tượng. Một số địa phương chưa phát huy rõ vai trò của các ban, ngành trong việc hỗ trợ ngành Giáo dục theo dõi, quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là khối tư thục.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho hay, Bộ GDĐT đang phối hợp với các Bộ ngành tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong quá trình hoàn thiện đề án, Bộ GDĐT sẽ tham vấn thêm ý kiến, khảo sát, đánh giá đúng và sâu sát hơn nữa, trong bối cảnh các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị có nhiều thay đổi, làm sao để những người có thu nhập thấp được tiếp cận với những chính sách, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thiết thực của người lao động.