Gần 90% sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM sử dụng ChatGPT

Tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy vừa thuận lợi vừa là thách thức cho ngành giáo dục.

Ba xu hướng chính trong giảng dạy ngôn ngữ hiện đại gồm: tích hợp AI vào kiểm tra đánh giá các môn ngoại ngữ; phát triển môi trường học tập tương tác đa phương tiện; cá nhân hóa lộ trình học tập dựa trên công nghệ.

Ông Dieter Bruhn, giảng viên cao cấp thuộc chương trình Giảng viên Anh ngữ Bộ Ngoại giao Mỹ, bàn về xu hướng giáo dục ngôn ngữ hiện đại

Ông Dieter Bruhn, giảng viên cao cấp thuộc chương trình Giảng viên Anh ngữ Bộ Ngoại giao Mỹ, bàn về xu hướng giáo dục ngôn ngữ hiện đại

Đó là chia sẻ của ông Dieter Bruhn, giảng viên cao cấp thuộc Chương trình Giảng viên Anh ngữ - Bộ Ngoại giao Mỹ, tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số" do Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức ngày 16-11.

Theo ông Dieter Bruhn, giáo dục ngôn ngữ đang bước vào thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi AI, đặc biệt là sự tương tác trong quá trình học của người học và người dạy. Với tốc độ phát triển nhanh của AI, người dạy buộc phải học, cập nhật những công nghệ mới nếu không muốn những tiết học trở nên nhàm chán.

Một nghiên cứu của Trường ĐH Luật TP HCM cho thấy 10,8% sinh viên thuộc 6 trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM đang sử dụng ChatGPT có trả phí và gần 90% đang sử dụng ChatGPT miễn phí để hỗ trợ học tập, nghiên cứu và những công việc khác.

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và cùng thảo luận về ứng dụng AI trong giảng dạy ngôn ngữ; đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển tài liệu giảng dạy trong thời đại số,...

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và cùng thảo luận về ứng dụng AI trong giảng dạy ngôn ngữ; đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển tài liệu giảng dạy trong thời đại số,...

PGS-TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM nhấn mạnh: "Cần có những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu hiệu quả, phù hợp với xu hướng; xây dựng chiến lược tích hợp công nghệ số vào chương trình đào tạo ngoại ngữ; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu liên ngành; phát triển năng lực số cho đội ngũ giảng viên; các mô hình giảng dạy kết hợp phù hợp với xu thế số hóa".

Thành lập Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo

Trường ĐH Luật TP HCM vừa ra mắt Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, do PGS-TS Lê Thị Nam Giang làm Viện trưởng.

Viện có 3 chức năng, nhiệm vụ chính gồm: đào tạo ngắn hạn, thực hiện và phối hợp các chương trình đào tạo ngắn hạn trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho các đối tượng trong và ngoài trường; nghiên cứu khoa học, thực hiện và hợp tác trong các nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phục vụ cộng đồng, cung cấp chuyên gia cho các hoạt động khoa học công nghệ, tư vấn pháp luật và khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, sinh viên, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gan-90-sinh-vien-dai-hoc-quoc-gia-tp-hcm-su-dung-chatgpt-196241117071023314.htm
Zalo