Quân sự thế giới hôm nay (26-5): Mỹ hiện đại hóa hệ thống tên lửa phóng loạt M270

Quân sự thế giới hôm nay (26-5) có những nội dung sau: Mỹ hiện đại hóa hệ thống tên lửa phóng loạt M270; Lithuania sẽ trang bị tàu chiến Vanguard của Na Uy? Máy bay Hürkuş-C của Thổ Nhĩ Kỳ thả bom thành công.

* Mỹ hiện đại hóa hệ thống tên lửa phóng loạt M270

Trong nỗ lực tăng cường năng lực pháo binh của NATO, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố trao hợp đồng nâng cấp hệ thống tên lửa phóng loạt M270 lên cấu hình M270A2 tiên tiến cho Lockheed Martin.

Hợp đồng này không chỉ mang lại lợi ích cho Quân đội Mỹ, mà còn cho các đồng minh chủ chốt gồm Phần Lan, Italy và Anh, phản ánh cam kết chung trong việc tăng cường năng lực tấn công chính xác tầm xa trên khắp châu Âu.

 Phiên bản nâng cấp M270A2 sẽ có một số cải tiến đáng kể. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Phiên bản nâng cấp M270A2 sẽ có một số cải tiến đáng kể. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 của Mỹ, được phát triển vào đầu những năm 1980, là nền tảng đáng tin cậy và linh hoạt. Phiên bản nâng cấp M270A2 sẽ có một số cải tiến đáng kể với động cơ 600 mã lực mới, hộp số cải tiến, giúp tăng khả năng cơ động và độ tin cậy; cabin bọc thép nâng cấp giúp bảo vệ tốt hơn cho kíp lái trước các mối đe dọa đạn đạo và thiết bị nổ tự chế.

Điểm đặc biệt của phiên bản M270A2 là mở rộng khả năng sử dụng các đạn khác nhau. Nó có thể phóng một số loại tên lửa và rocket tiên tiến, bao gồm tên lửa phóng loạt dẫn đường có tầm bắn 90km và tầm bắn mở rộng 150km. Phiên bản này cũng tương thích với hệ thống tên lửa lục quân chiến thuật tầm bắn 300km, để thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm sâu.

M270A2 còn được thiết kế để triển khai tên lửa tấn công chính xác sắp ra mắt có tầm bắn ban đầu là 499km, và có thể mở rộng tầm bắn trong tương lai. Đây là những loại đạn uy lực mạnh, cho phép tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị cao như sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và hệ thống phòng không.

Theo Army Recognition, M270A2, với khả năng cơ động, bảo vệ và tấn công mạnh hơn, sẽ là một yếu tố quan trọng của hệ thống hỏa lực chính xác trên bộ của NATO trong nhiều thập kỷ tới.

* Lithuania sẽ trang bị tàu chiến Vanguard của Na Uy?

Lithuania hiện đang cân nhắc việc mua các tàu quân sự đa năng lớp Vanguard của Na Uy. Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovilė Šakalienė công bố trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Na Uy Tore O. Sandvik, sau các cuộc thảo luận song phương giữa hai bên tại Lithuania.

Vanguard nổi bật nhờ cấu trúc mở và thiết kế mô-đun. Ảnh Kongsberg

Vanguard nổi bật nhờ cấu trúc mở và thiết kế mô-đun. Ảnh Kongsberg

Thảo luận tập trung vào khả năng mua các tàu chiến lớp Vanguard dạng mô-đun, do Kongsberg Defence & Aerospace thiết kế, với sự hợp tác của Salt Ship Design và được phát triển để thực hiện nhiều nhiệm vụ, cả quân sự và dân sự. Tàu có thể thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ cảng và cơ sở hạ tầng, giám sát mặt nước, chống ngầm, rà phá thủy lôi, bảo vệ chủ quyền biển và ứng phó với nhiều mối đe dọa.

Vanguard nổi bật nhờ kiến trúc mở và thiết kế mô-đun, cho phép tích hợp nhanh chóng các mô-đun nhiệm vụ mới, có thể triển khai các phương tiện không người lái trên không, mặt nước và dưới nước (UAV, USV, UUV) và có nhà chứa máy bay đa năng cho các loại phương tiện này. Tàu cũng được trang bị sàn bay có thể chứa trực thăng cỡ trung bình nặng khoảng 15 tấn.

Về mặt kỹ thuật, Vanguard dài khoảng 130m, rộng 19m, độ mớn nước 5,2m, lượng giãn nước 5.000 tấn, được trang bị hệ thống động cơ điện, cho phép đạt tốc độ tối đa 40km/giờ và phạm vi hoạt động khoảng 9.600km với tốc độ hành trình 24km/giờ.

Vanguard có thể được trang bị vũ khí dựa theo yêu cầu hoạt động, bao gồm pháo 76mm ở mũi tàu, hệ thống phóng thẳng đứng cho tên lửa hạm đối không, ống phóng ngư lôi và hệ thống vũ khí điều khiển từ xa. Việc sử dụng các tiêu chuẩn dân sự trong thiết kế cho phép tiết kiệm chi phí ước tính lên đến 50% so với tàu chiến truyền thống, trong khi vẫn duy trì khả năng thích ứng trong vận hành.

* Máy bay Hürkuş-C của Thổ Nhĩ Kỳ thả bom thành công

Trong cuộc tập trận Anatolian Phoenix-2025 quốc tế tại thành phố Konya (Thổ Nhĩ Kỳ), máy bay Hürkuş bản địa của nước này đã thả thành công quả bom 1 tấn.

Đây là bước tiến quan trọng về khả năng hoạt động của máy bay, nhấn mạnh năng lực công nghệ quốc phòng ngày càng nâng cao của Thổ Nhĩ Kỳ.

Biến thể Hürkuş-C được trang bị các loại vũ khí có điều khiển như tên lửa chống tăng Roketsan UMTAS và tên lửa dẫn đường laser Cirit. Ảnh: TAI

Biến thể Hürkuş-C được trang bị các loại vũ khí có điều khiển như tên lửa chống tăng Roketsan UMTAS và tên lửa dẫn đường laser Cirit. Ảnh: TAI

Hürkuş, do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUSAŞ) phát triển, là máy bay một cánh quạt, hai chỗ ngồi, cánh thấp, hai động cơ, được thiết kế cho cả nhiệm vụ huấn luyện và tấn công hạng nhẹ. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, buồng lái tương tự như máy bay chiến đấu hiện đại F-16 và F-35.

Biến thể Hürkuş-C, được thiết kế để hỗ trợ trên không tầm gần, có thể mang 1.500kg tải trọng bên ngoài. Về vũ khí, máy bay được trang bị các loại đạn có điều khiển như tên lửa chống tăng Roketsan UMTAS và tên lửa dẫn đường laser Cirit.

Quả bom 1 tấn được triển khai có thể là HGK-84, một loại bom dẫn đường bằng GPS/INS, biến bom Mk-84 thông thường nặng 900kg thành vũ khí thông minh, có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-26-5-my-hien-dai-hoa-he-thong-ten-lua-phong-loat-m270-829941
Zalo