Dân chủ lạc quan bước vào cuộc đua lưỡng viện giữa kỳ

Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ còn hơn một năm nữa mới diễn ra nhưng cuộc đua đã bắt đầu nóng lên trong bối cảnh đảng Dân chủ quyết giành lại quốc hội.

Dù còn hơn một năm nữa cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ (còn gọi là bầu cử giữa kỳ) mới bắt đầu, nhưng diễn biến xung quanh cuộc bầu cử này đã bắt đầu nóng lên trong vài tháng gần đây.

Đến nay, 13 thành viên quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào năm 2026, mở ra viễn cảnh cho một kỳ bầu cử giữa kỳ có thể mang tính bước ngoặt, khi quyền kiểm soát giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại cả hai viện đang ở thế cân bằng mong manh.

Tỉ lệ ủng hộ ông Trump ra sao sau 4 tháng trở lại Nhà Trắng?

Hiện nay, đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện với tỉ lệ 53 ghế so với 47 ghế của đảng Dân chủ. Có 33 ghế Thượng viện Mỹ sẽ được bầu lại theo lịch trình vào năm 2026, trong đó có 13 ghế đang do đảng Dân chủ nắm giữ và 20 ghế do đảng Cộng hòa nắm giữ, theo tờ Newsweek.

Theo giới quan sát, sẽ rất khó khăn cho đảng Dân chủ khi muốn giành lại quyền kiểm soát Thượng viện vì phần lớn các nhà phân tích chỉ xem một vài ghế do đảng Cộng hòa nắm giữ là có khả năng chuyển đổi.

Trong khi đó, tại Hạ viện, tất cả 435 ghế đều sẽ được bầu lại vào tháng 11-2026. Đảng Cộng hòa phải bảo vệ thế đa số mong manh 220-213 và đây được xem là một thách thức cho đảng này, đặc biệt trong bối cảnh sự ủng hộ dành Tổng thống Donald Trump vẫn ở mức thấp sau 4 tháng trở lại Nhà Trắng, theo đài Fox News.

 Tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Trump có 46% sự ủng hộ và 54% sự không ủng hộ trong một cuộc khảo sát toàn quốc mới nhất của Trường Luật Marquette. Trong khi đó, cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy ông Trump có 42% sự ủng hộ và 52% sự không hộ.

Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình với số liệu thăm dò ở mức tích cực, nhưng số liệu thăm dò bắt đầu giảm ngay sau lễ nhậm chức vào cuối tháng 1.

Dù vậy, hai vấn đề mà tổng thống vẫn giữ được sự ủng hộ trong một số cuộc khảo sát là an ninh biên giới và nhập cư, vốn là trọng tâm trong chiến dịch giành lại Nhà Trắng thành công của ông Trump vào năm 2024. Theo đó, Trong cuộc thăm dò của Trường Luật Marquette được tiến hành từ ngày 5 đến ngày 15-5, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Trump là 56% về vấn đề an ninh biên giới và 50% về vấn đề nhập cư.

Nhưng những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump về an ninh biên giới và nhập cư, vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng pháp lý, dường như không giúp ích cho tỉ lệ ủng hộ chung của ông. Góp phần vào sự sụt giảm trong tỉ lệ ủng hộ chung dành cho ông Trump trong vài tháng qua là chính sách của ông về kinh tế và đặc biệt là lạm phát, vốn là những vấn đề cấp bách khiến tỉ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Joe Biden luôn ở mức thấp trong hầu hết nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Tổng thống Trump chỉ nhận được 37% sự ủng hộ về chính sách thuế quan và 34% về cách ông xử lý lạm phát/chi phí sinh hoạt trong cuộc thăm dò của Trường Luật Marquette. Còn theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, được tiến hành từ ngày 16 đến 18-5, ông Trump nhận 39% sự ủng hộ về cách điều hành nền kinh tế và 33% về chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ bắt đầu cuộc hành trình dài hướng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới với sự hy vọng. Trong số tất cả cử tri, 47% cho biết họ muốn bỏ phiếu cho một đảng viên Dân chủ tại Hạ viện, so với 44% cho một ứng cử viên Cộng hòa.

Trong lịch sử Mỹ, đảng không nắm giữ Nhà Trắng có xu hướng làm tốt hơn trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Năm 2018, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đã mất Hạ viện sau khi đảng Dân chủ giành được 41 ghế.

Dân chủ dẫn trước, Cộng hòa tự tin

Các chuyên gia nhận định sẽ có sự thay đổi lớn trong cơ cấu Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ.

“Xét đến mức độ tín nhiệm cực kỳ thấp mà chính quyền do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang phải đối mặt, có vẻ như nếu không xuất hiện một biến cố bất ngờ khó lường, cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ tạo ra một thay đổi lớn trong cơ cấu Hạ viện, với chiến thắng áp đảo thuộc về các ứng viên của đảng Dân chủ” - ông William F. Hall, giảng viên ngành khoa học chính trị và kinh doanh tại ĐH Webster ở St. Louis (Mỹ), nói với Newsweek.

 Một điểm bỏ phiếu ở TP Eau Claire, bang Wisconsin (Mỹ) trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2025. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một điểm bỏ phiếu ở TP Eau Claire, bang Wisconsin (Mỹ) trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2025. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Quan điểm này phản ánh mức độ tín nhiệm thấp mà chính quyền do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang gánh chịu, gần như ở mọi lĩnh vực quan trọng liên quan đến thành công chính trị, bao gồm tình hình kinh tế, việc làm, lạm phát, và đặc biệt là sự thiếu lạc quan đang thể hiện rõ ở phần lớn người dân Mỹ” - ông Hall nói thêm.

Còn theo chuyên gia Kyle Kondik tại Trung tâm Chính trị thuộc ĐH Virginia, ngay khi ông Trump thắng cử năm 2024, đảng Dân chủ đã trở thành ứng viên sáng giá để giành lại Hạ viện, những diễn biến kể từ đó đến nay hầu như không làm thay đổi nhận định này. Ông Kondik dự đoán có 207 ghế có khả năng thuộc về đảng Cộng hòa, trong khi 209 ghế là có khả năng thuộc về đảng Dân chủ.

Ngày 8-4, Ủy ban Vận động Bầu cử Quốc hội Dân chủ (DCCC) đã công bố danh sách 35 mục tiêu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Danh sách bao gồm 12 nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm tại các khu vực dao động cũng như một số đồng minh của ông Trump mà phía Dân chủ cho rằng có thể đánh bại.

Theo tờ USA Today, danh sách trên phản ánh tâm thế tự tin của đảng Dân chủ, vốn đang kỳ vọng tận dụng sự bất mãn trong nội bộ cử tri với ông Trump, một phần thể hiện qua các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Đảng này cũng đang được tiếp thêm động lực từ kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử đặc biệt cuối tháng 3 tại Florida và Wisconsin, nơi các ứng viên Dân chủ thể hiện tốt hơn nhiều so với năm 2024.

“Người dân trên khắp cả nước đang phẫn nộ. Họ lo sợ trước những gì đã thấy từ chính quyền ông Trump và các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội. Chúng tôi có nhiều khu vực bầu cử trên khắp cả nước đang mở ra cơ hội lớn” - Chủ tịch DCCC, Hạ nghị sĩ Suzan DelBene, nói với USA Today.

Đáp lại, đảng Cộng hòa cho rằng mục tiêu của đảng Dân chủ là phi thực tế. “Dù đã qua Cá Tháng Tư, nhưng DCCC vẫn đùa dai với danh sách đáng cười này trong một nỗ lực thảm hại nhằm đánh lạc hướng cử tri khỏi thực tế là đảng của họ đang có mức tín nhiệm tệ hại. Cử tri không bị lừa đâu. Họ thấy đảng Dân chủ quá cực đoan, quá không được ưa chuộng, hoàn toàn xa rời thực tế” - theo người phát ngôn Ủy ban Vận động Bầu cử Quốc hội Cộng hòa (NRCC) Mike Marinella.

Đảng Cộng hòa hiện tại vẫn đang có niềm tin cho kỳ bầu cử sắp tới. Ngày 30-4, NRCC công bố một bản thăm dò nội bộ, cho thấy đảng này đang ở vị thế thuận lợi trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm sau, theo tờ The Hill.

Theo tài liệu, đảng Dân chủ chỉ dẫn trước đảng Cộng hòa đúng 1% trong bảng thăm dò chung. Kết quả này cho thấy các Hạ nghị sĩ Cộng hòa đang ở vị trí tốt hơn so với thời điểm tương tự năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi đó, đảng Dân chủ dẫn trước tới 6%.

“Môi trường chiến trường tại Hạ viện đang mở ra con đường rõ ràng để đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Khác với năm 2017, cuộc khảo sát này cho thấy Hạ viện Cộng hòa không chỉ đang tấn công và bắt đầu chu kỳ tranh cử với thế mạnh để mở rộng đa số; đảng Cộng hòa đang dẫn đầu và định hình các điều kiện của cuộc chiến” - theo NRCC.

Có tin tỉ phú Musk chuẩn bị tài trợ cho đảng Cộng hòa trước bầu cử giữa kỳ

Tỉ phú Elon Musk thu hẹp vai trò trong chính quyền Mỹ để chuẩn bị cho vai trò nhà tài trợ chính trị hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ, hãng Reuters cuối tháng 4 dẫn bốn nguồn tin cho hay.

Theo nguồn tin, sau khi kết thúc nhiệm vụ cắt giảm ngân sách cho Nhà Trắng, ông Musk sẽ tiếp tục là cố vấn chính trị cho Tổng thống Trump, đồng thời rót tiền đầu tư cho các ứng viên đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ.

“Việc ông Musk rời khỏi chính phủ theo cách nào là rất quan trọng. Mục tiêu là vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với ông ấy, nhưng phải tránh để ông trở thành gánh nặng cho đảng Cộng hòa khi bước vào kỳ bầu cử năm 2026” - một nguồn tin nói, đề cập việc ông Musk đã gây mất lòng cử tri cũng như các quan chức Mỹ sau các động thái cắt giảm, cải tổ.

Ông Musk không phản hồi các yêu cầu bình luận về thông tin trên. Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields từ chối bình luận về các kế hoạch chính trị của tỉ phú Musk.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dan-chu-lac-quan-buoc-vao-cuoc-dua-luong-vien-giua-ky-post847662.html
Zalo