Quân sự thế giới hôm nay (21-4): Philippines nhận tổ hợp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos thứ hai
Quân sự thế giới hôm nay (21-4) có những nội dung sau: Hải quân Mỹ tiếp nhận tàu ngầm không người lái Lionfish; máy bay hiện đại của Trung Quốc tham gia tập trận với Ai Cập; tổ hợp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos 'cập bến' Philippines.
* Máy bay hiện đại của Trung Quốc tham gia tập trận với Ai Cập
Máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500 của Lực lượng Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã có mặt ở Ai Cập để tham gia cuộc tập trận không quân chung mang tên "Eagles of Civilization 2025" (Đại bàng văn minh), bắt đầu từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5.
Theo Army Recognition, KJ-500 là một trong những nền tảng cảnh báo sớm trên không tiên tiến nhất của PLAAF do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An phát triển dựa trên máy bay vận tải hạng trung Y-9 động cơ cánh quạt. Máy bay KJ-500 được trang bị hệ thống radar mảng pha hiện đại, cho phép phát hiện và theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu trên không và trên bộ ở phạm vi rộng.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc được trưng bày tại một căn cứ không quân ở Ai Cập, đánh dấu lần triển khai đầu tiên ở nước ngoài. Ảnh: Không quân Trung Quốc
Máy bay có thể hỗ trợ thực hiện đồng thời các nhiệm vụ như nhận thức tình huống, cung cấp thông tin tình báo thời gian thực cho các chỉ huy và nâng cao phối hợp hiệp đồng trong các hoạt động phòng không và tấn công.
Đây là lần đầu tiên máy bay KJ-500 tham gia một cuộc tập trận quân sự quốc tế, đánh dấu bước tiến mới trong các hoạt động không quân ở nước ngoài của Trung Quốc. Đây cũng là cuộc tập trận không quân song phương đầu tiên giữa Trung Quốc và Ai Cập nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến chung và thúc đẩy sự phối hợp chiến thuật giữa Không quân Ai Cập (EAF) và PLAAF.
Ngoài máy bay KJ-500, Trung Quốc còn triển khai 6 máy bay vận tải chiến lược Tây An Y-20; máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 J-10 có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
* Hải quân Mỹ tiếp nhận tàu ngầm không người lái Lionfish
Công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries (HII) của Mỹ vừa chính thức bàn giao 2 tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ Lionfish (SUUV) đầu tiên cho Hải quân nước này.
Đây là một phần của chương trình áp dụng hệ thống ngầm tự động thế hệ tiếp theo của Hải quân Mỹ. Hợp đồng ký năm 2023 có giá trị hơn 347 triệu USD và tùy chọn giao thêm 200 chiếc đến năm 2028.

HII chuyển giao 2 tàu ngầm không người lái Lionfish đầu tiên cho Hải quân Mỹ nhằm nâng cao năng lực tác chiến dưới nước của lực lượng này. Ảnh: HII
Lionfish được phát triển dựa trên tàu ngầm không người lái REMUS 300 chủ lực của HII. Bản thân nền tảng REMUS 300 được biết đến với thiết kế kiến trúc mở, dạng mô-đun và Lionfish tận dụng tính linh hoạt này trong khi tích hợp thêm các hệ thống tiên tiến và các giao thức truyền thông an toàn.
The Defense Post cho biết, tàu Lionfish dài 2,3m, nặng 56kg, đường kính 19cm. Tàu có thể lặn ở độ sâu 305m, đạt tốc độ tối đa 9,26km/giờ, hoạt động liên tục 30 giờ nhờ các mô-đun pin lithium-ion. Đáng chú ý là tàu có thể được triển khai nhanh chóng từ nhiều loại tàu hải quân, bao gồm cả tàu nhỏ và tàu ngầm.
Là tàu đa nhiệm nên Lionfish có thể thực hiện các nhiệm vụ như rà phá mìn, thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến điện tử.
* Tổ hợp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos thứ hai “cập bến” Philippines
Ngày 20-4, tờ The New Indian Express thông tin, Ấn Độ đã vận chuyển thành công tổ hợp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos thứ hai đến Philippines. Không như tổ hợp đầu tiên đến Philippines bằng đường không một năm trước đó, tổ hợp mới này được vận chuyển bằng đường biển, chứng minh hiệu quả hậu cần và khả năng mở rộng hoạt động xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.

Hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được lắp trên nền tảng Tatra trong cuộc diễu binh Ngày Cộng hòa của Ấn Độ tại New Delhi, ngày 26-1-2023. Ảnh: armyrecognition.com
Hệ thống tên lửa BrahMos, do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và NPO Mashinostroyenia của Nga cùng phát triển, là một trong những chương trình quốc phòng thành công nhất của Ấn Độ cho đến thời điểm hiện tại.
Theo hợp đồng trị giá 374,96 triệu USD ký với với BrahMos Aerospace hồi tháng 1-2022 (thỏa thuận xuất khẩu vũ khí lớn đầu tiên của Ấn Độ), Philippines sẽ nhận được 3 hệ thống tên lửa BrahMos của Ấn Độ có tầm bắn 290km, tốc độ 2,8 Mach (khoảng 3.460km/giờ, gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh). Thỏa thuận cũng bao gồm đào tạo cho người vận hành.
Mỗi tổ hợp BrahMos xuất khẩu sang Philippines bao gồm 1 hệ thống phòng thủ bờ biển với đầy đủ bệ phóng tự động di động, radar kiểm soát hỏa lực, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, và các phương tiện hỗ trợ hậu cần. Được lắp trên nền tảng Tatra có tính cơ động cao, tên lửa hành trình siêu thanh này có thể mang đầu đạn thông thường nặng 200 - 300kg, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn để tăng tốc ban đầu, sau đó là động cơ phản lực nhiên liệu lỏng, cho phép tên lửa bay ở độ cao thấp và tấn công với độ chính xác cao. Đường bay lướt trên biển ở giai đoạn cuối khiến tên lửa cực kỳ khó bị đánh chặn, ngay cả đối với các hệ thống phòng không tiên tiến.
Khác với phiên bản xuất khẩu, biến thể mới nhất của tên lửa Brahmos có tầm bắn hơn 400km.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.