Tổng thống Zelensky tuyên bố cắt ngắn chuyến thăm Nam Phi bởi lý do bất ngờ

Theo BBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hủy một phần chuyến thăm đầu tiên của ông tới Nam Phi sau cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga vào thủ đô Kiev của Ukraine vào đêm qua.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới chức địa phương Ukraine, cuộc tấn công của Nga đã khiến ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Zelensky cho biết sẽ trở về Ukraine "ngay lập tức" sau cuộc gặp với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa trong chuyến công du tới châu Phi nhằm tăng cường các nỗ lực ngoại giao.

Ông nói thêm rằng các hoạt động cứu hộ vẫn đang được tiến hành sau vụ tấn công đêm qua và đã có "sự tàn phá đáng kể".

"Đã 44 ngày trôi qua kể từ khi Ukraine đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngừng các cuộc tấn công. Các cuộc tấn công phải được dừng lại ngay lập tức và vô điều kiện", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Theo nhiều nhà phân tích, chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Nam Phi đánh dấu bước đột phá ngoại giao của nhà lãnh đạo Ukraine trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga tại Châu Phi. Chuyến thăm cấp nhà nước này từng được xem là điều không thể khi mà cách đây hai năm, Tổng thống Ramaphosa dẫn đầu một phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi đến Kiev. Vào thời điểm đó, Nam Phi đã từ chối việc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga – điều mà Ukraine cho rằng là một sự thất vọng.

Tuy nhiên đến nay, phía Ukraine cho rằng nước này và Nam Phi có thêm nhiều điểm chung khi mà bối cảnh địa chính trị đã thay đổi cơ bản kể từ cuộc gặp trước đó. Hai bên đều nhận ra ngày càng có nhiều điểm bất đồng quan điểm với Washington.

Với Ukraine, Mỹ từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Kiev dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nhưng khi Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11, mọi chuyện dường như đang rẽ sang một ngả đường khác.

Ngày 23/4, Tổng thống Trump đã cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine gây tổn hại đến các cuộc đàm phán hòa bình, sau khi ông Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea. Trước đó, phía Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ không từ bỏ Crimea - một bán đảo phía Nam đã được Nga sáp nhập vào năm 2014 thông qua cuộc trưng cầu dân ý.

Tổng thống Trump tuyên bố rằng một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh đã "rất gần", nhưng việc ông Zelensky từ chối chấp nhận các điều khoản của Mỹ "sẽ chẳng làm gì ngoài việc kéo dài" cuộc xung đột.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã nêu ra tầm nhìn của Mỹ về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine và điều này sẽ "đóng băng các ranh giới lãnh thổ … gần với vị trí hiện tại".

Ông Vance cho biết thỏa thuận này có nghĩa là Ukraine và Nga "đều sẽ phải từ bỏ một số lãnh thổ mà họ hiện đang sở hữu", nhưng không nêu rõ sẽ phải nhượng bộ những khu vực cụ thể nào.

Với Nam Phi, quốc gia này cũng cũng chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ căng thẳng với Washington. Gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã trục xuất Đại sứ của Nam Phi cũng như cắt một số nguồn viện trợ.

Trước đó vào tháng 3, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố rằng Đại sứ Nam Phi Rasool là "người không được hoan nghênh" tại Mỹ sau khi ông đưa ra những bình luận về Tổng thống Donald Trump là phân biệt chủng tộc – điều được nhận định đã làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nam Phi.

Quan hệ giữa Nam Phi và Mỹ dường như đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Trump cáo buộc chính phủ Nam Phi tịch thu đất đai của cộng đồng thiểu số da trắng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định rằng trên thực tế, chính quyền Nam Phi không hề tịch thu bất kỳ đất đai tư nhân nào kể từ khi chế độ Apartheid kết thúc vào năm 1994.

Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp tạm dừng viện trợ nước ngoài cho Nam Phi và tuyên bố rằng hệ thống tị nạn của Mỹ sẽ ưu tiên tiếp nhận những người Afrikaner (người gốc Hà Lan tại Nam Phi) bị phân biệt chủng tộc bất công.

Liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, phía Nam Phi cho biết lập trường không liên kết giúp nước này có vị thế tốt nhất để giúp các bên có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Hiện tại, Ukraine mong muốn mở rộng nhóm đối tác quốc tế của mình - đặc biệt là ở châu Phi, nơi nhiều quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Bên cạnh Nam Phi, vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tuyên bố nước này và Somalia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/4. Tờ Kyiv Independent cho biết Somalia - quốc gia nằm ở khu vực Sừng châu Phi - đã lên tiếng ủng hộ nhất quán đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đổi lại, Kiev đã mở rộng viện trợ nhân đạo cho Somalia thông qua sáng kiến "Ngũ cốc từ Ukraine".

Thời gian qua, Ukraine được cho là đã khởi động các sáng kiến ngoại giao mới, trong đó có kế hoạch được công bố năm ngoái về việc mở 20 đại sứ quán mới trên khắp châu Phi. Phía Ukraine nhận định việc tăng cường thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước nằm trong nỗ lực của Ukaine nhằm mở rộng liên minh toàn cầu ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Moskva hiện nay.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-zelensky-tuyen-bo-cat-ngan-chuyen-tham-nam-phi-boi-ly-do-bat-ngo-20250424165359846.htm
Zalo