Quân sự thế giới hôm nay (1-4): Nhật Bản hoàn thành việc triển khai tên lửa đất đối hạm Type 12

Quân sự thế giới hôm nay (1-4) có những nội dung sau: Nhật Bản hoàn thành việc triển khai tên lửa đất đối hạm Type 12; Mỹ cung cấp xe chiến thuật hạng nhẹ Flyer 72 LD cho Ukraine? Somalia mua trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ.

* Nhật Bản hoàn thành việc triển khai tên lửa đất đối hạm Type 12

Mới đây, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) đã chính thức hoàn tất việc triển khai Trung đoàn Tên lửa Đất đối hạm số 8 tại Đồn trú Yufuin ở tỉnh Oita, Kyushu.

Đơn vị này thuộc Lữ đoàn Pháo binh số 2, bao gồm khoảng 300 quân nhân, vận hành hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 và Type 12. Đây là bước cuối cùng trong kế hoạch của Nhật Bản nhằm thành lập 7 trung đoàn như vậy trên toàn quốc.

 Nhật Bản thử nghiệm phóng tên lửa Type 12 cải tiến năm 2024. Ảnh: ATLA

Nhật Bản thử nghiệm phóng tên lửa Type 12 cải tiến năm 2024. Ảnh: ATLA

Tên lửa đất đối hạm Type 12, do Mitsubishi Heavy Industries phát triển, là hệ thống tên lửa phóng từ xe tải có nguồn gốc từ phiên bản tiền nhiệm Type 88. Tên lửa kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính, dẫn đường GPS và đầu dò radar AESA băng tần Ka để dẫn đường vào giai đoạn cuối.

Type 12 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển từ đất liền và có những cải tiến về độ chính xác dẫn đường, khả năng phân biệt mục tiêu, thời gian nạp đạn và khả năng sống sót. Phiên bản hiện tại có tầm bắn khoảng 200km, nhưng Nhật Bản đang thúc đẩy phát triển một biến thể tầm xa với tầm bắn dự kiến khoảng 1.000km. Phiên bản tầm xa được thiết kế cho các vai trò tấn công từ xa, bao gồm cả việc sử dụng chống lại các mục tiêu trên bộ. Việc triển khai tên lửa dự kiến bắt đầu trong năm nay.

Việc triển khai tên lửa tại Yufuin cũng liên quan đến nỗ lực nhằm tăng cường năng lực tấn công tầm xa ở khu vực phía Tây Nam của Nhật Bản.

Ngoài tên lửa Type 12, Nhật Bản cũng đang phát triển nhiều hệ thống tên lửa tầm xa nội địa và nhập khẩu. Các hệ thống được phát triển trong nước bao gồm tên lửa Type 12 cải tiến, đạn lượn siêu tốc (HVGP), tên lửa hành trình siêu thanh, tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa chính xác, được thiết kế cho vai trò chống hạm và tấn công trên bộ. Trong khi đó, các hệ thống nhập khẩu nước ngoài bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chiến thuật JASSM do Mỹ sản xuất, tên lửa tấn công chung (JSM) của Na Uy.

* Mỹ cung cấp xe chiến thuật hạng nhẹ Flyer 72 LD cho Ukraine?

Theo Army Recognition, ngày 31-3, Mỹ đã bí mật chuyển giao ít nhất một xe chiến thuật hạng nhẹ Flyer 72 Light Duty (Flyer F72-LD), được định danh là M1297 A-GMV trong kho vũ khí của quân đội Mỹ, cho Ukraine.

Nền tảng có tính cơ động cao này hiện đang được sử dụng trong Trung đoàn đặc nhiệm số 4 của Ukraine “Ranger” đồn trú tại Kropyvnytskyi, tỉnh Kirovohrad.

 Flyer 72 Light Duty là nền tảng địa hình dạng mô-đun, có thể vận chuyển bằng đường hàng không do Flyer Defense sản xuất. Ảnh: Army Recognition

Flyer 72 Light Duty là nền tảng địa hình dạng mô-đun, có thể vận chuyển bằng đường hàng không do Flyer Defense sản xuất. Ảnh: Army Recognition

Flyer 72 Light Duty có thể được vận chuyển bằng đường hàng không do Flyer Defense sản xuất. Xe đang được Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ sử dụng, có thể vận chuyển tối đa 9 binh lính và mang theo tải trọng lên tới hơn 2,2 tấn.

Được thiết kế để hoạt động trên địa hình gồ ghề và hạn chế, phương tiện hỗ trợ nhiều cấu hình khác nhau bao gồm CASEVAC (sơ tán thương vong), vận chuyển vũ trang và trinh sát. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 120km/giờ và phạm vi hoạt động 805km trên địa hình bằng phẳng.

Khả năng cơ động bằng đường không và triển khai nhanh là một trong những tính năng chính của Flyer 72 LD. Nó có thể được treo dưới trực thăng CH-47 và CH-53, cũng như vận chuyển trên máy bay C-130 và C-17.

Trọng lượng nhẹ cho phép số lượng xe và binh lính trên mỗi chuyến bay C-17 gấp đôi so với các xe bọc thép nặng hơn. Cấu hình của nền tảng này cũng hỗ trợ nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm súng máy hạng nặng M2 và giá đỡ súng máy M240. Với bộ giáp đạt chuẩn STANAG cấp độ I, Flyer 72 LD có thể cân bằng khả năng sống sót với tính linh hoạt trong nhiệm vụ.

* Somalia mua trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Defense Express, Somalia đã quyết định mua trực thăng tấn công T129 ATAK do công ty Turkish Aerospace Industries của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Sau khi hoàn tất, thỏa thuận này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quân đội Somalia trong hành trình tái trang bị vũ khí hiện đại và tăng cường năng lực tổng thể để ứng phó với các mối đe dọa an ninh kéo dài.

 Somalia mua trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkiye Today

Somalia mua trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkiye Today

Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai bên vẫn chưa xác nhận các kế hoạch này và nhiều thông tin của thỏa thuận tiềm năng này vẫn chưa được tiết lộ, đặc biệt là giá trị hợp đồng, số lượng trực thăng, thời gian giao hàng.

Bên cạnh trực thăng tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cung cấp cho Somalia máy bay không người lái (UAV) Bayraktar Akinci do Baykar phát triển. Theo truyền thông địa phương, việc chuyển giao này sẽ bắt đầu trong thời gian tới.

Việc Somalia mua lại trực thăng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là sự tăng cường đáng kể về năng lực đường không. Theo một nghiên cứu của Military Balance, lực lượng vũ trang Somalia chỉ có hai trực thăng tiện ích Bell 412 được đưa vào hoạt động đầu năm 2024.

Cuối năm 2024, Italy đã tặng Somali một lô trực thăng cánh quạt, nâng tổng số lên 10 chiếc, trong đó có 6 chiếc Bell 412 (bao gồm một chiếc Bell-412SP) và 4 chiếc Bell 205A.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-1-4-nhat-ban-hoan-thanh-viec-trien-khai-ten-lua-dat-doi-ham-type-12-822068
Zalo