Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump liệu có tác động đến châu Á?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ công bố kế hoạch thuế quan đối ứng mới vào ngày 2/4 mà ông gọi đây là 'Ngày giải phóng'. Động thái này làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống thương mại quốc tế và một cuộc chiến thuế quan trên quy mô toàn cầu – viễn cảnh từng được coi là ác mộng trong các kịch bản địa chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ký sắc lệnh hành pháp ngay sau lễ nhậm chức, tại Nhà Trắng ở Washington ngày 20/1. Ảnh: AP/TTXVN
Theo đài CNA, các quốc gia trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, đang gấp rút chuẩn bị cho những tác động sắp tới. Malaysia và Thái Lan được dự đoán là hai nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi bị liệt vào danh sách 15 đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Điều này khiến những quốc gia này có thể trở thành mục tiêu chính trong danh sách áp thuế của ông Trump.
Trong nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã tích cực vận động để được miễn trừ khỏi các mức thuế mới. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại nhiều kết quả.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đặt lại các quy tắc của chính trị Mỹ và thương mại quốc tế, ưu tiên cách tiếp cận đơn phương thay vì hợp tác đa phương. Mặc dù các chuyên gia kinh tế và giới phân tích cảnh báo việc áp thuế toàn diện có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, đẩy giá tiêu dùng tăng cao, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và gây sức ép lên ngân sách hộ gia đình, nhưng chính quyền của ông Trump vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách này.
Mỹ sẽ đánh giá từng quốc gia dựa trên quan hệ thương mại song phương, sau đó áp mức thuế quan tương ứng. Tuy nhiên, chính sách này không đơn thuần mang tính chất “có đi có lại”. Đại diện Thương mại Mỹ sẽ xem xét nhiều yếu tố như mức thuế ưu đãi, khoảng cách thuế giá trị gia tăng, rào cản phi thuế quan, khả năng thao túng tiền tệ và chiến thuật trung chuyển hàng hóa để xác định mức thuế trừng phạt.
Theo quan điểm của Tổng thống Trump, các nước trên thế giới đã “lợi dụng” Mỹ trong thương mại và mức thuế quan mới sẽ giúp Washington giành lại lợi ích kinh tế và vị thế toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng cách tiếp cận này có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính Mỹ.
Ảnh hưởng kinh tế và phản ứng của thị trường
Chính sách thuế quan của Mỹ đã bắt đầu gây bất ổn cho thị trường tài chính. Ông Taimur Baig, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng tại DBS Bank, nhận định chính quyền Mỹ có thể chấp nhận một mức độ tổn thất nhất định trên thị trường để đạt được mục tiêu chính sách. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát gia tăng, giá cổ phiếu lao dốc hoặc nền kinh tế rơi vào đình lạm, áp lực sẽ gia tăng, buộc Nhà Trắng phải điều chỉnh chính sách.
Trong bối cảnh đó, các chính phủ đang gấp rút tìm kiếm giải pháp. Một số nước đã cử phái đoàn thương mại tới Washington và ký kết các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD nhằm tăng đầu tư vào Mỹ hoặc mua thêm hàng hóa Mỹ để tránh bị áp thuế.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã đến Mỹ để giải quyết các vấn đề chính. Ấn Độ được cho là sẵn sàng giảm thuế đối với hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 23 tỷ USD.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản cũng đã vận động Washington miễn trừ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, nhưng các nỗ lực này không mang lại kết quả như mong đợi.
Hàn Quốc, đối mặt với mức thuế 25% đối với thép và nhôm, đã kích hoạt chiến lược khẩn cấp và cử bộ trưởng công nghiệp tới Washington để đàm phán. Tuy nhiên, với quyết định áp thuế ô tô công bố vào ngày 26/3, Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác nhận ra rằng mọi nỗ lực vận động có thể không thay đổi được lập trường của Tổng thống Trump.
Cách tiếp cận chiến lược: Đàm phán riêng lẻ hay "phản công" tập thể?
Mặc dù hầu hết các nước trong khu vực chọn con đường đàm phán trực tiếp với Mỹ thay vì “phản công”, nhưng chính sách song phương này đặt họ vào thế bất lợi khi phải đối mặt với một Washington có nhiều lợi thế thương lượng.
Đơn lẻ, từng quốc gia khó có đủ sức mạnh để chống lại chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng nếu hành động tập thể, họ có thể tạo ra một mặt trận đối trọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump luôn ủng hộ các thỏa thuận song phương và phản đối hệ thống thương mại đa phương, bởi ông tin rằng điều này giúp Mỹ giành lợi thế tối đa. Chiến lược của ông là giữ cho các quốc gia bị chia rẽ, ngăn họ hợp tác để chống lại các biện pháp thuế quan của Mỹ. Điều này thể hiện rõ qua các lời đe dọa mà ông đưa ra với Liên minh châu Âu và Canada nếu họ hợp tác để phản đối thuế quan của Washington.
Triển vọng tương lai: Một cuộc chiến thương mại kéo dài?
Chính quyền của Tổng thống Trump dường như cam kết theo đuổi chính sách thuế quan một cách quyết liệt. Ngoài các loại thuế hiện tại, Mỹ đã đề xuất áp thuế bổ sung đối với chất bán dẫn và dược phẩm – động thái có thể làm gián đoạn thêm dòng chảy thương mại toàn cầu.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ sẽ tiếp tục đối mặt với những bất ổn lớn. Trong ngắn hạn, các nước có thể chấp nhận thương lượng song phương để tránh thiệt hại ngay lập tức. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc áp lực thị trường gia tăng, Nhà Trắng có thể buộc phải xem xét lại chính sách này.
Theo các chuyên gia, thế giới đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù hợp tác đa phương sẽ giúp các nước có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nhưng động lực bảo vệ lợi ích quốc gia riêng lẻ khiến họ do dự. Đây chính là tình huống mà ông Trump mong đợi, bởi nó giúp Mỹ duy trì thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trong khi nhiều người hy vọng mức thuế mới sẽ không quá nghiêm trọng, thì thực tế là trong môi trường thương mại hiện tại, sự đoàn kết của các quốc gia có thể là cách duy nhất để cân bằng ảnh hưởng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” đang ngày càng cứng rắn hơn.