Quản lý thời gian: Áp lực đồng trang lứa
Ngoài thời gian đi học, nhiều sinh viên tìm kiếm địa điểm học thêm chuyên ngành, tham gia câu lạc bộ, làm thêm… để lấy kinh nghiệm.
Họ làm những điều này vì ngại thua kém bạn bè, song những áp lực cũng vô tình “cướp” đi thời gian rảnh rỗi.
Rào cản vô hình
Khi còn là sinh viên năm thứ 1 của ngành Báo chí, N.N.A. (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) đã cảm thấy áp lực từ môi trường xung quanh bởi có nhiều bạn bè năng động trong học tập cũng như sinh hoạt câu lạc bộ đội nhóm.
“Mới bước vào học, em choáng ngợp bởi sự năng nổ của các bạn. Có bạn viết được tin đăng báo điện tử, có bạn làm sản xuất cho các chương trình truyền hình. Dù trước khi bước vào đại học em đã xác định môi trường này có nhiều bạn giỏi vì điểm đầu vào cao, nhưng không nghĩ các bạn vừa giỏi vừa năng nổ làm thêm cũng như tham gia các hoạt động đến vậy”, A. chia sẻ.
Áp lực từ bạn bè, A. cố gắng trau dồi bản thân bằng việc đăng ký học thêm, tham gia câu lạc bộ truyền thông, đồng thời làm gia sư các buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Điều này mang lại cho A. nhiều kỹ năng, kiến thức nhưng vô tình lấy đi thời gian để nghỉ ngơi, giải trí.
“Có những hôm em thức tới 4 giờ sáng để giải quyết bài tập các môn học, 6 giờ lại dậy để chuẩn bị đến trường học. Việc này khiến bản thân uể oải, khó tiếp thu lời thầy cô giảng. Nếu không thức thì không kịp thời gian nộp bài của nhóm lớp cũng như câu lạc bộ. Nhiều lúc, em chỉ mong một ngày có nhiều thời gian hơn để thư giãn và hoàn thành mọi việc”, A. bộc bạch.
Lướt mạng xã hội thấy các thông tin như “20 tuổi tôi đã có 100 triệu đồng trong tay, sao người ta đi làm mà mình ở nhà, thủ khoa tốt nghiệp đại học với 3 năm kinh nghiệm tại công ty...” cũng khiến Trịnh Khánh An - sinh viên năm 4, Đại học Swinburne Việt Nam cảm thấy áp lực.
“Trên mạng xã hội, các bạn thường đăng bài viết như đi nơi nào, làm chỗ nào, có kinh nghiệm gì… khiến em thấy mình kém cỏi. Bản thân càng áp lực hơn khi từ năm 2, năm 3, bạn bè đều là thực tập sinh cho các công ty truyền thông nổi tiếng. Điều này khiến em lo lắng, bồn chồn, không dám nghỉ ngơi phút giây nào vì nghĩ rằng, trong lúc mình nghỉ ngơi thì các bạn khác đang cố gắng”, An nói.
Mạnh dạn nhờ giúp đỡ
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) giải thích “rào cản vô hình” trên của các bạn trẻ bằng việc trích dẫn kết quả nghiên cứu gần đây của nhóm với nội dung “Mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM”.
Nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) trình bày tại lễ khai khóa của Đại học Quốc gia TPHCM hôm 20/10. Theo đó, nghiên cứu cho thấy nhiều sinh viên chưa biết cách nghỉ ngơi, chọn lọc hoạt động hữu ích cho hành trình đại học của mình.
Theo ThS Ngọc, đa số sinh viên có thái độ tích cực với thời gian rỗi, tuy nhiên các bạn lại không biết làm gì với thời gian đó, cũng không biết khi nào có thời gian rỗi. Do đó, sinh viên cần chủ động tham khảo lịch học (được nhà trường cung cấp) để xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn.
“Các bạn nên tham gia các khóa đào tạo hoặc buổi báo cáo chuyên đề về quản lý thời gian rỗi khi có cơ hội kết hợp việc tự xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến quản lý thời gian rỗi để có kết quả tốt hơn. Đặc biệt, các bạn cần tăng cường tham gia hoạt động tập thể, đoàn hội nhằm gia tăng tinh thần cộng tác, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân.
Các bạn cần có cho mình một thời gian biểu cụ thể mỗi ngày, tuần, tháng và quan trọng hơn là rèn luyện tính kỷ luật để có thể hoàn thành thời gian biểu, kế hoạch của mình. Tránh lười biếng mà bỏ qua, hoặc chỉ biết dùng mạng xã hội và ngủ. Quản trị bản thân là một trong những cách tốt nhất để phát triển bản thân”, ThS Ngọc gửi lời khuyên.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ thêm, sinh viên phải lập kế hoạch hoạt động của bản thân với những yếu tố cốt lõi trong toàn khóa, cho từng năm. Riêng kế hoạch của một năm học cần được vạch ra chi tiết hơn và kỷ luật bản thân để thực thi kế hoạch đó.
Ví dụ bản thân cảm nhận sức khỏe chưa tốt thì cần tập thường xuyên một môn thể thao nào đó, hay thấy kinh nghiệm và hiểu biết về xã hội còn hạn hẹp thì tham gia các hoạt động đoàn - hội, câu lạc bộ, tình nguyện. Sinh viên cũng cần lưu ý sử dụng thời gian cuối tuần cho hợp lý để nghỉ ngơi, tập thể thao, giao tiếp xã hội hay thi thoảng là hoạt động đoàn thể, tình nguyện…
ThS Trần Nam chia sẻ thêm, có 5 yếu tố quan trọng đối với một sinh viên trong suốt quá trình học đại học là trí tuệ, sức khỏe, hiểu biết xã hội, trải nghiệm nghệ thuật và chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
“Sinh viên không thể sử dụng thời gian cho một yếu tố chủ yếu mà cần có sự dung hòa và ưu tiên phù hợp. Yếu tố quan trọng nhất của đại học là gia tăng sự hiểu biết tri thức khoa học và năng lực thực hành, đây là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, sinh viên cần phân bổ thời gian hợp lý cho các hoạt động khác, đừng để bản thân bị quá tải”, ThS Nam cho biết.
“Sinh viên ở độ tuổi trẻ trung, nhiệt huyết nhất, vậy thì hãy dành thời gian để làm nền móng cho mình thật vững chắc. Hãy chọn những món ăn tốt cho sức khỏe, chọn một môn thể thao và theo đuổi, chọn một mentor (người dẫn dắt - PV) để có thể cho mình lời khuyên đúng lúc. Hãy trân trọng 24 giờ mỗi ngày, mệt có thể dừng lại, nghỉ ngơi, rồi đi tiếp. Đừng bỏ cuộc”, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.