Quản lý, giám sát tốt thị trường hàng hóa

Hiện nay, tình trạng sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, có liên kết chặt chẽ giữa các ổ nhóm, đối tượng với nhau. Không chỉ ở kênh bán lẻ truyền thống, thương mại điện tử đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ðể quản lý, giám sát tốt thị trường hàng hóa, các lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường cần tích cực hơn nữa trong quản lý địa bàn, triển khai các hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, răn đe hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kiểm soát chặt trên môi trường điện tử

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra hơn 68.000 vụ (giảm 5% so với năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%); thu nộp ngân sách hơn 541 tỷ đồng (tăng 8%), trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so năm 2023),...

Tăng cường kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử là một trong những điểm nhấn của hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường năm 2024.

Ðiều này cho thấy, thị trường hàng hóa trong năm qua cơ bản ổn định, số vụ việc vi phạm giảm, việc xử phạt được thực hiện nghiêm minh. Từ đó, giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, thị trường vẫn phát sinh một số vụ việc vi phạm nổi cộm đối với các mặt hàng như: Vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,...

Tăng cường kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử là một trong những điểm nhấn của hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường năm 2024. Cụ thể, cơ quan này đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, TikTok, Sendo phải kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm; sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Kết quả, trong năm 2024, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so năm 2023),...

Ðối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ quy định của pháp luật, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trong năm qua, toàn lực lượng quản lý thị trường đã làm tốt việc phối hợp các lực lượng chức năng, tích cực triển khai biện pháp nghiệp vụ, quản lý, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,… Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát và xử lý.

Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường sẽ chỉ đạo toàn lực lượng tiếp tục chủ động nắm vững diễn biến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, nhằm phát hiện, nhận diện vấn đề nổi cộm, các mặt hàng vi phạm mới nổi theo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa

Có thể nói, việc làm tốt công tác quản lý thị trường đã góp phần làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước của ngành công thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa quan trọng. Từ đó giúp bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tế năm 2024 vừa qua, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã bị lực lượng quản lý thị trường kiên quyết xử lý, giúp tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ðiển hình như vụ triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook,...

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hơn 126.600 sản phẩm, thuộc 242 chủng loại hàng hóa gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 20 tỷ đồng. Ðây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, có tính chất, quy mô phức tạp.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao để mỗi người dân nhận thức được vấn đề, cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ. Cơ quan quản lý thị trường cũng kiến nghị Chính phủ tăng nặng mức xử phạt nhằm răn đe mạnh hơn nữa, khiến các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái phải chùn bước, không vì lợi nhuận của hoạt động phi pháp mà dám bất chấp, coi thường pháp luật.

Việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Trong năm 2025, lực lượng quản lý thị trường phải tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, trong nước. Toàn lực lượng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Cùng với đó, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong toàn lực lượng; nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân trong việc ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Minh Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quan-ly-giam-sat-tot-thi-truong-hang-hoa-post857786.html
Zalo