'Dở khóc dở cười' chuyện mua hàng online xài Tết

Khách đặt mua online 'xài Tết' nhưng hàng chưa kịp giao trước Tết, dẫn tới tình cảnh trớ trêu

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... nhộn nhịp, nhiều khách hàng quyết định sắm Tết trên chợ online.

Sự bận rộn của các shipper những ngày cận Tết

Sự bận rộn của các shipper những ngày cận Tết

Tết đến mà hàng không nhận được

Thống kê của nền tảng nghiên cứu số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn, trong 3 tuần cao điểm của mua sắm cuối năm từ 20-12-2024 tới ngày 19-1-2025, người Việt đã chi 189,6 tỉ đồng để mua áo dài cho dịp Tết. Tuy nhiên, vẫn có tình huống "dở khóc dở cười" khi lỡ đặt mua áo dài online chậm nên hàng chưa kịp giao đến cho khách mặc trước Tết.

Hiện, nhiều đơn vị vận chuyển hiện đã dừng nhận đơn của các shop, cửa hàng và hoạt động trở lại bình thường vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tháng Giêng âm lịch (tức 3-2-2025). Dẫn tới, khách hàng mua sắm online sẽ khó có khả năng nhận được hàng.

Trước đó, nhiều khách hàng cũng thấp thỏm, bất lực khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, đơn hàng của họ vẫn mắc kẹt tại kho do quá tải.

Chị Minh Lan, quê Ninh Bình kể, ngày 22 Tết có đặt một đơn hàng là bộ áo dài chơi Tết, song chờ đến hết ngày 26 Tết vẫn chưa nhận được hàng. "Theo dõi trên kênh mua sắm thì thấy hàng đang đi giao mà chờ mãi không thấy nên đành ấn nút hủy đơn hàng do không còn nhu cầu sử dụng –chị nói.

Thậm chí, không chờ được cuộc gọi của người giao hàng, một số người còn ra tận bưu cục tìm hàng song vẫn không thấy. Nhiều kho hàng rơi vào tình cảnh quá tải, dẫn tới khó giao hàng trước Tết.

Trong khi đó, nhiều người bán hàng online quyết định dừng nhận đơn ship liên tỉnh trước 2-3 ngày so với ngày làm việc cuối cùng của đơn vị vận chuyển do lo ngại hàng hóa cuối năm tắc nghẽn.

Dù đứng trước mùa kinh doanh sôi động nhất năm, Hạ Anh vẫn quyết định dừng nhận các đơn hàng giao liên tỉnh sớm hơn 2 ngày so với thông báo của hãng vận chuyển. Theo người bán hàng này, các bưu cục, shipper thường quá tải thời điểm cận Tết. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, shop tạm dừng giao hàng liên tỉnh, sớm hơn 2 ngày để đảm bảo hàng hóa đến người mua kịp thời.

Nhiều người bán cũng liên tiếp phàn nàn trên các diễn đàn về tình trạng hàng hóa được đem đi giao song lại quay về kho phân loại của các hãng vận chuyển…

Hôm 24 tháng Chạp, chị Nguyễn Lan, người bán hàng online tại Hà Nội, cho hay "quên tắt vận chuyển, còn mấy đơn nhưng tầm này sợ quá không muốn giao vì để hàng nằm trong kho sợ thất lạc".

Theo các cơ sở kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tình trạng "tắc, nghẽn" giao hàng thường diễn ra trong dịp cận Tết Nguyên đán. Càng giáp Tết, tình trạng quá tải càng nghiêm trọng, nhiều người bán hàng không dám nhận khách vì sợ không giao được hàng đúng dự kiến.

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thương mại điện tử là hiện tượng bùng nổ không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên thế giới, thị trường này thành công không thể không kể tới logistics, một khâu có vai trò thầm lặng.

Hàng hóa vẫn còn dù ngày cuối cùng làm việc ở một cửa hàng chuyển phát

Hàng hóa vẫn còn dù ngày cuối cùng làm việc ở một cửa hàng chuyển phát

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ở khâu giao hàng chặng cuối vẫn tiêu tốn nhiều nhân lực để giao hàng. Không khó bắt gặp hình ảnh nhân viên giao hàng ở trước cửa chung cư, cơ quan. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ lấp đầy logistics, không chỉ đảm bảo nhanh, chính xác mà còn tự động hóa cao hơn, đặc biệt ở khâu giao hàng cuối. Điều này được kỳ vọng giảm những tình huống dở khó, dở cười như trên.

Bà Cao Cẩm Linh, chuyên gia trong nước, Dự án thương mại số tại Việt Nam của USAID, phân tích nhân viên công ty logistics chính là đại diện cho gian hàng, chủ cửa hàng để giao tiếp ở khâu cuối cùng với khách hàng, vì vậy khâu này cũng gặp áp lực lớn về thời gian, chất lượng hàng hóa khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Theo đó, giao hàng chặng cuối cần ứng dụng công nghệ là bán tự động, tự động một phần, từng phần; hoạt động ứng dụng kết nối phần mềm trong logistics thương mại điện tử.

"Thông qua theo dõi hoạt động logistics trong thương mại điện tử, chúng ta cũng có dữ liệu và thống kê về hành vi tiêu dùng như một khách hàng có thể mua nhiều đơn hàng trong một ngày. Hay với hoạt động robot, sản lượng từ 1-1,5 triệu đơn hàng có thể xử lý trong 1 đêm" - bà Linh cho biết.

Theo đó, chuyên gia Cao Cẩm Linh nhấn mạnh, công ty giao hàng chặng cuối phải sử dụng ứng dụng công nghệ tự động; chia sản lượng nhanh hơn khi sản lượng mua bán tăng vào các đợt cao điểm.

"Có thể ví kho hàng của doanh nghiệp như cảng biển, cảng hãng không; nếu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số một ngày làm việc có thể xử lý tới 1,5 triệu bưu" - bà nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-khoc-do-cuoi-chuyen-mua-hang-online-xai-tet-196250126231404371.htm
Zalo