Quản lý, cấp phép kinh doanh karaoke: Nâng trách nhiệm của chính quyền địa phương

Dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cận kề, dịch vụ karaoke được xem là kênh giải trí được nhiều người ưa chuộng.

Trước nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến phòng, chống cháy nổ, Hà Nội thực hiện hướng dẫn quản lý, cấp phép theo Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 12-11-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019. Để hoạt động này tuân thủ quy định của pháp luật, vấn đề đặt ra là nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.

Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra hoạt động tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra hoạt động tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Còn nhiều sai phạm

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện thành phố có gần 80 cơ sở dịch vụ karaoke đủ điều kiện kinh doanh, bảo đảm các tiêu chí như: Hạ tầng được đầu tư đúng quy chuẩn; phòng hát có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng; bảo đảm quy định phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, cách âm tiếng ồn… Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, số lượng cơ sở kinh doanh karaoke nhiều hơn số lượng công bố, chưa kể có không ít dịch vụ kinh doanh theo hình thức kết hợp ăn uống với “hát cho nhau nghe”, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nói về điều này, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Lê Thị Hồng Hạnh cho biết, đa số cơ sở mới xây dựng sẽ bảo đảm được những điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, cách âm, còn những cơ sở kinh doanh cải tạo từ nhà dân, nhất là những nhà xây dựng kết cấu cũ, lâu đời sẽ khó bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Sở dĩ hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động là do các địa phương chưa rà soát kỹ và chưa cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định.

Về loại hình “hát cho nhau nghe”, bà Lê Thị Hồng Hạnh phân tích, đây là dịch vụ khác, không nằm trong phạm vi điều chỉnh quản lý của kinh doanh karaoke. Các nhà hàng, quán cà phê, kinh doanh giải khát thường kết hợp cho khách ăn uống và hát mà không nhất thiết phải có phòng hát đủ tiêu chuẩn về cách âm, kỹ thuật. Việc quản lý loại hình này sẽ do chính quyền sở tại chịu trách nhiệm và xử lý những vi phạm liên quan đến phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang yêu cầu các địa phương cung cấp danh sách gần 80 cơ sở karaoke đủ điều kiện kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trên địa bàn thành phố xảy ra không ít tai nạn đau lòng do kinh doanh karaoke không đủ điều kiện. Việc sớm công khai danh sách những cơ sở đủ điều kiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cơ sở và người dân sử dụng dịch vụ, phòng ngừa các hộ kinh doanh làm sai quy định.

Phân rõ trách nhiệm quản lý

Để tăng cường công tác quản lý kinh doanh karaoke, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12-11-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Nghị định số 148/2024/NĐ-CP nhấn mạnh vào các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh, bảo đảm yếu tố phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự. Đặc biệt, tại nghị định này đã làm rõ trách nhiệm các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, thu hồi giấy phép.

Theo Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Oanh, nghị định mới sửa đổi, bổ sung Khoản 2 của Điều 5: “Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ". Còn tại Điều 9 của nghị định này quy định rõ UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh. Việc phân cấp, ủy quyền, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sẽ về chính quyền địa phương.

“Vai trò quản lý của chính quyền địa phương rất quan trọng. Điều này đòi hỏi, địa phương phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra để nắm rõ tình hình hoạt động kinh doanh trên địa bàn mình”, bà Lê Thị Thu Oanh nhấn mạnh.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 148/2024/NĐ-CP của Chính phủ là làm rõ hơn quy định tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở kinh doanh karaoke, đó là phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn. Các bài hát phải được cấp phép, hình ảnh trên màn hình phải phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai tập huấn Nghị định số 148/2004/NĐ-CP. Nghị định mới có nhiều quy định và hướng dẫn chi tiết, cụ thể, sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý giám sát và có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm… Qua đó, các địa phương sẽ nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và Sở trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm, các hình thức trá hình, biến tướng.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-ly-cap-phep-kinh-doanh-karaoke-nang-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-dia-phuong-688604.html
Zalo