Quan Hóa - vùng đất giàu tiềm năng phát triển 'ngành công nghiệp không khói' (Bài 2): Sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện có 40 cơ sở lưu trú với sức chứa khoảng 600 người, trong đó, có 20 homestay. Năm 2024, huyện đón 30.000 lượt du khách đến các điểm du lịch trên địa bàn, doanh thu từ du lịch đạt 7,8 tỷ đồng... Đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của huyện.

Khu di tích hang Co Phương ở bản Sạy, xã Phú Lệ là một trong những điểm đến du lịch tâm linh của nhiều du khách.

Khu di tích hang Co Phương ở bản Sạy, xã Phú Lệ là một trong những điểm đến du lịch tâm linh của nhiều du khách.

Với tiềm năng du lịch to lớn, từ năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đề án, huyện phấn đấu đến năm 2025 đón được 11.200 lượt khách, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 25,7%/năm; đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch cộng đồng đạt 24.700 lượt khách, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 24,1%/năm. Du lịch sẽ góp phần tạo việc làm cho hơn 500 lao động vào năm 2025 và 1.217 lao động vào năm 2030...

Để đạt được những mục tiêu trên, đề án đã xây dựng hàng loạt các nhóm danh mục dự án được ưu tiên đầu tư xây dựng. Trong đó, có thể kể đến các nhóm dự án, như: nhóm dự án về quy hoạch đầu tư; nhóm dự án bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; nhóm dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; nhóm bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch phát huy giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nhóm nâng cao năng lực cộng đồng.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án, năng lực cạnh tranh về du lịch hiện tại của huyện Quan Hóa còn thấp và chuyển biến chưa nhiều, quá trình phát triển còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Mặt khác, sản phẩm du lịch của địa phương chưa đa dạng, thiếu tính đặc thù, chưa mang đậm bản sắc riêng, kém sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, chưa có những thương hiệu du lịch nổi bật; công tác quảng bá, xúc tiến chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển du lịch; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch còn thấp; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nhiều; việc hoạch định chiến lược, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch còn chậm...

Đơn cử việc phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút, xã Nam Xuân dù được triển khai từ năm 2020, với 5 hộ được lựa chọn để phát triển dịch vụ homestay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát triển thêm được cơ sở lưu trú, hộ dân nào đăng ký làm du lịch. Lượng khách du lịch đến bản Bút dù có tăng qua các năm nhưng không đáng kể, dao động trên dưới 1 nghìn lượt khách/năm. Lý giải cho những hạn chế trên, bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho rằng: "Mặc dù tiềm năng du lịch cộng đồng của bản Bút là rất lớn, tuy nhiên sự đầu tư về hạ tầng du lịch cũng như công tác quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đây còn rất hạn chế. Để du lịch cộng đồng tại bản Bút phát triển hơn nữa, rất mong sự đầu tư về các hạng mục cơ sở vật chất, như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp khách, hạ tầng về đường giao thông cũng như công tác quảng bá du lịch".

Ông Lê Hữu Quyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, cho biết, sau khi Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành, triển khai thì dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng to lớn đến quá trình đầu tư, phát triển du lịch của huyện. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đề án cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc quy hoạch đầu tư mang tính dàn trải không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến khả năng khai thác các tài nguyên phát triển du lịch chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế trên, ngày 27/2/2024, UBND huyện Quan Hóa đã có Tờ trình số 18/TTr-UBND về việc xin chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Tờ trình số 94/TTr-UBND ngày 8/7/2024 về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đến Quan Hóa du khách sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên của núi rừng, sông suối.

Đến Quan Hóa du khách sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên của núi rừng, sông suối.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: "Để phát huy những tiềm năng du lịch của địa phương, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đổi mới công tác quảng bá, thu hút du khách, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước) và các điểm, khu du lịch ở huyện Mai Châu (Hòa Bình). Mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành việc điều chỉnh Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, phấn đấu các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu đều vượt năm 2024".

“Với những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của địa phương, cùng mục tiêu, lộ trình phát triển du lịch cụ thể theo hướng bền vững, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tin tưởng sẽ đưa huyện Quan Hóa trở thành địa phương phát triển khá của miền Tây xứ Thanh” - ông Dũng kỳ vọng.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-hoa-vung-dat-giau-tiem-nang-phat-trien-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-bai-2-som-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-239932.htm
Zalo