Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến về du lịch nghỉ dưỡng, thủ phủ về du lịch Golf của Việt Nam và khu vực. Theo đó, doanh thu ngành Du lịch chiếm hơn 18,25% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 25 nghìn lao động. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã và đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và cụ thể.

Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nhiều địa danh nổi tiếng, khí hậu quanh năm mát mẻ để phát triển du lịch như núi Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Đại Lải… cùng hệ thống sông, hồ, giao thông đồng bộ và một thị trường du lịch rộng lớn gần Thủ đô Hà Nội, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội - tâm linh; du lịch cộng đồng (homestay); du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch trải nghiệm các mô hình nông nghiệp nông thôn...

Một số tour, tuyến du lịch mới được đưa vào khai thác thu hút đông đảo sự lựa chọn của du khách như tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch “Con đường tâm linh”, tuyến du lịch Thanh Lanh - Ngọc Bội - thác Bản Long, tuyến Vân Trục - hồ Bò Lạc - núi Sáng Sơn, khu sinh thái vườn cò Hải Lựu...

Khu du lịch Tam Đảo ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Khu du lịch Tam Đảo ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 10,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước tính khoảng 90 nghìn lượt và khách nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong các vùng du lịch đặc trưng, vùng trọng điểm du lịch quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, mang tính cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế tài nguyên du lịch hiện có. Phấn đấu đến năm 2030, doanh thu ngành Du lịch chiếm khoảng 18,25% GRDP của tỉnh. Toàn tỉnh thu hút 150 nghìn lượt khách quốc tế, 16 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 479 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 25 nghìn lao động trực tiếp.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã quy hoạch không gian phát triển bao gồm Trung tâm du lịch của tỉnh là thành phố Vĩnh Yên, khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên và khu du lịch Đại Lải. Trong đó du lịch chất lượng cao được chú trọng.

Đối với khu du lịch quốc gia Tam Đảo quy hoạch không gian phát triển với hơn 10.723 ha, gồm phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo với tổng diện tích 5.399 ha; khu vực chân núi Tam Đảo 4.561,5 ha; khu danh thắng Tây Thiên 477,6 ha và khu du lịch Tam Đảo 284,9 ha.

Phía Đông Bắc và phía Đông giáp Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo của Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên; phía Đông Nam giáp Trường bắn Cam Lâm và đất rừng xã Minh Quang (Tam Đảo); phía Nam giáp đất lúa xã Minh Quang (Tam Đảo); phía Tây giáp tỉnh lộ 302 đoạn qua thị trấn Hợp Châu, xã Hồ Sơn và xã Tam Quan (Tam Đảo); phía Tây Bắc giáp đất rừng sản xuất các xã Bồ Lý, Yên Dương (Tam Đảo) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)…

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch hồ Làng Hà, Bắc Ngọc Thanh và các hồ Đồng Câu, Xạ Hương, Thanh Lanh, Vân Trục, Bò Lạc, thác Bản Long… Riêng các dự án về sân golf giúp hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng từ khách sạn, biệt thự đến giải trí. Giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đầu tư thêm 13 sân golf để phát triển du lịch của tỉnh đa dạng hơn.

Các vành đai phát triển du lịch, trung tâm du lịch và vùng du lịch bổ trợ bao gồm vành đai du lịch - đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc. Mục tiêu hình thành một vành đai du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn lớn chạy dọc theo dãy Tam Đảo, kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục, hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch golf, mice… gắn với phát triển nghỉ dưỡng.

Các trung tâm du lịch của tỉnh gồm thành phố Vĩnh Yên, khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên và khu du lịch Đại Lải. Đây là không gian du lịch trung tâm, với vai trò thu hút, kết nối và lan tỏa luồng khách đi các không gian du lịch khác trên địa bàn.

Các tuyến, vùng du lịch bổ trợ bao gồm tuyến du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên - Đại Lải - Hương Canh; tuyến du lịch Vĩnh Yên - Lập Thạch; tuyến du lịch Vĩnh Yên - Vĩnh Tường; tuyến Vĩnh Yên - Yên Lạc; tuyến phía Bắc tỉnh (Vĩnh Yên - Tam Đảo - Lập Thạch); tuyến phía Nam tỉnh (Vĩnh Yên - Vĩnh Tường - Yên Lạc - Đại Lải). Hình thành tuyến du lịch đường ven sông là trọng điểm du lịch, gắn kết với Hà Nội bằng đường thủy, thu hút du lịch nghỉ dưỡng ven sông.

Giải pháp phát triển ngành Du lịch của tỉnh là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư du lịch theo quy định. Miễn giảm thuế đối với ngành sản xuất hàng lưu niệm cho khách tại các làng nghề truyền thống và cho phép kinh doanh du lịch quốc tế được hưởng các chế độ ưu đãi, khuyến khích của các ngành hàng xuất khẩu.

Khuyến khích đầu tư, tiếp cận đất đai và giải phóng mặt bằng. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; nâng cấp, xây dựng hệ thống công trình phụ trợ phục vụ du lịch.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn về điều tra, nghiên cứu và triển khai các mô hình dự án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản trên địa bàn.

Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến du lịch quốc gia và của tỉnh; xây dựng đội ngũ nhân lực ngành Du lịch chuyên nghiệp, năng động, thích ứng với tình hình mới... Phát triển du lịch theo hướng “Du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn”, “Hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn” - điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín về du lịch của cả nước, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/124045//phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon
Zalo