Tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP Hồ Chí Minh chậm bàn giao mặt bằng để cải tạo
Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận Gò Vấp và Bình Thạnh đang chậm trễ, khiến dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm chưa thể triển khai.

Rạch Xuyên Tâm là một trong những tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm
Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm, ngày 20-2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng đô thị - chủ đầu tư) thông tin vừa kiến nghị 2 địa phương là quận Gò Vấp và Bình Thạnh đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để khởi công dự án.
Theo đó, quận Gò Vấp có 138 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp đã chi trả cho 51/138 trường hợp, với số tiền hơn 135 tỷ đồng, trong đó có 35/51 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Dự kiến trong tháng 4 tới, quận sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến trên địa bàn để chủ đầu tư thực hiện khởi công thi công gói thầu xây lắp số 3 (XL-03) thuộc dự án.
Trong khi đó, tại quận Bình Thạnh có 2.077 hộ gia đình, cá nhân và cơ quan bị ảnh hưởng, thu hồi đất. Trong đó, UBND quận Bình Thạnh đã hoàn tất việc tiếp xúc, lấy ý kiến người có đất thu hồi của 1.660 trường hợp, hiện đã có 501 trường hợp đồng ý.
417 trường hợp sẽ thực hiện sau khi có kết luận của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong đó bao gồm 382 trường hợp liên quan mua bán giấy tay, tách thửa từ ngày 1-7-2014 trở về sau và 35 trường hợp nằm trong ranh của hai dự án rạch Xuyên Tâm và dự án Khu dân cư thương mại Bình Hòa.
Về nguyên nhân gây khó khăn trong công tác bàn giao mặt bằng, theo Ban Hạ tầng đô thị, do công tác xác định loại đất tính hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc sông, ngòi, kênh, rạch đã lấn chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất; xác định đối tượng tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp mua bán chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất bằng giấy tay, vi bằng.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven kênh, rạch. Ảnh: H.Phạm
Để thuận lợi cho việc khởi công dự án vào dịp 30-4 tới, Ban Hạ tầng đô thị kiến nghị UBND quận Gò Vấp và Bình Thạnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công gói thầu XL-03 và hoàn tất các thủ tục bàn giao mặt bằng thi công trong phạm vi gói thầu XL-01 và XL-02 trước ngày 30-4-2025.
Ban Hạ tầng đô thị cho biết, dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm (chạy từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) có tổng chiều dài gần 9km. Đây là một trong những tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư gần 17.230 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn năm 2023-2028.
Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu XL-03 (đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật) thuộc phạm vi quận Gò Vấp; 2 gói thầu còn lại nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, gồm: Đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy (gói XL-01); đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến (gói XL-02).
Dự án có diện tích thu hồi gần 160.000m2 với 2.215 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, Ban Hạ tầng đô thị đã tạm ứng kinh phí cho quận Gò Vấp và Bình Thạnh với 12.368 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, phục vụ giải phóng mặt bằng, tạm cư, chi phí mua nhà quỹ tái định cư và chi phí điều tra xã hội học.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm sẽ nạo vét lòng rạch sâu 3,5m, mở rộng lòng rạch từ 20 - 30m. Hệ thống thu gom nước thải và nước mưa sẽ được xây dựng đồng bộ, giúp cải thiện chất lượng môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm. Hai bên bờ rạch sẽ xây dựng đường rộng 6m với mỗi bên 2 làn xe, vỉa hè rộng 3 - 4m và hệ thống công viên, cây xanh. Hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh, góp phần chỉnh trang đô thị.
Sở Xây dựng vừa trình UBND thành phố Hồ Chí Minh đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn để thực hiện chỉnh trang đô thị. Theo phương án, hiện thành phố còn 398 dự án, tuyến sông, kênh, rạch thuộc 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức chưa được triển khai với quy mô di dời gần 40.000 căn nhà.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven kênh rạch,… dự kiến thành phố cần chi ra hơn 221.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất sẽ khai thác quỹ đất hai bên kênh rạch, dự kiến ngân sách thành phố thu lại hơn 164.000 tỷ đồng.