Quan Hóa - vùng đất giàu tiềm năng phát triển 'ngành công nghiệp không khói' (Bài 1): Điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm

Quan Hóa trước đây có tên gọi là Mường Ca Da, là huyện vùng cao phía Tây xứ Thanh, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ nên nơi đây có tiềm năng to lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Văn hóa rượu cần của đồng bào dân tộc Thái ở Quan Hóa. Ảnh: Đình Giang

Văn hóa rượu cần của đồng bào dân tộc Thái ở Quan Hóa. Ảnh: Đình Giang

Bản Bút, xã Nam Xuân cách trung tâm huyện Quan Hóa chưa đầy 10km, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Thái. Từ trên cao nhìn xuống, bản Bút hiện lên với những mái nhà sàn truyền thống, bao quanh bởi núi rừng nguyên sinh. Du khách đến đây được bộ hành qua những con đường núi quanh co, hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa, trải nghiệm làm nông nghiệp, dệt thổ cẩm và thưởng thức các món ăn đặc sản, như gà đồi, ốc đá, cơm lam, rượu cần...

Điều đặc biệt ở bản Bút là du khách có thể trải nghiệm thêm loại hình du lịch dã ngoại (camping) bằng cách ngồi trên xe máy ngược lên hồ Pha Đay. Hồ nằm trên núi ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, rộng khoảng 2,2ha, nước bốn mùa trong xanh, tựa như một chiếc gương khổng lồ giữa thiên nhiên. Theo người dân bản Bút kể lại, xưa kia khu vực quanh hồ chỉ là vùng trũng với các khe suối đổ về. Sau này người dân đã cải tạo mở rộng thành một hồ chứa nước phục vụ thủy lợi. Ngày nay, hồ Pha Đay không chỉ là một danh thắng đẹp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng, với sức chứa hơn 200.000m3 nước. Tại đây, du khách có thể thưởng ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ, trải nghiệm quăng chài bắt cá và hòa mình vào thiên nhiên. Với không khí trong lành cùng hoạt động dựng lều ngủ ngoài trời qua đêm sẽ mang đến những khoảnh khắc thư giãn đáng nhớ.

Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, bản Bút đón lượng khách đến tham quan đông hơn thường lệ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, đến từ TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Đầu xuân, gia đình tôi thường lựa chọn cho mình một chuyến du lịch ngắn ngày để các con được vui chơi. Năm nay, gia đình ngược miền Tây xứ Thanh đến với du lịch cộng đồng ở bản Bút, xã Nam Xuân. Điều thú vị khi đến nơi đây là sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên cùng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Thái bản địa”.

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết: Bản Bút là bản đầu tiên của xã Nam Xuân được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, xã Nam Xuân đã lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái ở bản Bút làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay. Đến nay, du lịch cộng đồng tại bản Bút là điểm nhấn trong lòng du khách khi đến với huyện vùng cao Quan Hóa".

Homestay A Béo ở bản Bút, xã Nam Xuân được đầu tư khang trang.

Homestay A Béo ở bản Bút, xã Nam Xuân được đầu tư khang trang.

Ngoài điểm đến bản Bút, huyện Quan Hóa còn sở hữu nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, nổi bật với hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng sinh học và còn hoang sơ. Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và Khu Bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động, thiên nhiên còn ưu ái cho Quan Hóa hệ thống sông ngòi xen lẫn núi non trùng điệp, hùng vĩ với nhiều hang động đẹp như hang Phi, hang Co Phương, hang Co Luồng, hang Na... Đặc biệt, hang Co Phương thuộc bản Sại, xã Phú Lệ đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, huyện Quan Hóa còn là nơi giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông, Hoa. Sự đa dạng này thể hiện qua các nghề truyền thống, văn hóa dân gian và ẩm thực đặc sắc của từng dân tộc. Đặc biệt, huyện vẫn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu, tiêu biểu là Lễ hội Mường Ca Da được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.

Nhằm phát huy những tiềm năng lợi thế trên, ngày 26/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1574/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây được xem là điều kiện quan trọng để ngành du lịch Quan Hóa phát triển. Dựa trên đề án đã được phê duyệt, những năm qua, huyện tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm. Với nhiều sản phẩm du lịch nổi bật thu hút khách du lịch như khám phá ruộng bậc thang, khám phá hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang, trải nghiệm phiên chợ đêm Hồi Xuân, trải nghiệm văn hóa dân tộc, trải nghiệm ẩm thực... Trong đó, nổi bật với các tour du lịch dã ngoại khám phá dành cho du khách ưa thích mạo hiểm, khám phá tìm hiểu sự đa dạng sinh học, sinh thái, trên đỉnh Pù Hu; tour xuôi dòng sông Mã dành cho những du khách đam mê thú vui chèo thuyền, chèo mảng, câu cá trên sông.

Ông Lê Hữu Quyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, khẳng định: "Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thời gian tới huyện sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, kết hợp với duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kỳ vọng trong tương lai gần, đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Quan Hóa".

Đình Giang

Bài 2: Sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-hoa-vung-dat-giau-tiem-nang-phat-trien-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-bai-1-diem-den-hap-dan-cua-du-lich-cong-dong-nbsp-du-lich-kham-pha-trai-nghiem-239886.htm
Zalo