Quan hệ lao động - ngành học mới mẻ và đầy triển vọng
Quan hệ lao động là ngành học được đào tạo lâu đời tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức, Thụy Điển; tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành học này còn khá mới mẻ và ít người biết đến.
Với sự phát triển đa dạng của thị trường lao động, quan hệ lao động được dự báo là một trong những ngành bình dị nhưng đầy triển vọng.
Ngành học tiềm năng
Ngành quan hệ lao động chuyên đào tạo về các lĩnh vực quan hệ lao động, quản trị hoạt động hay công đoàn. Mục tiêu của ngành học này là sinh viên có thể giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ quần chúng cùng các kỹ năng về tổ chức lực lượng quần chúng lao động, phương pháp phân tích, đánh giá, quyết định vấn đề có liên quan trong ứng xử với người lao động và trong đoàn thể.
Ngành quan hệ lao động cũng sẽ giúp sinh viên phát huy được thái độ làm việc, những khả năng tiềm ẩn của bản thân, có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt. Đặc biệt, ngành này còn cung cấp cho người học cách vận dụng phù hợp các quy định về đạo đức trong nghề và ngoài xã hội, yêu cầu của một cán bộ công đoàn cần có để trở thành cán bộ chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cử nhân ngành quan hệ lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý mọi mối quan hệ lao động trong đơn vị và ngoài xã hội; quan hệ xã hội, quan hệ quần chúng; kỹ năng tổ chức lực lượng quần chúng lao động; phương pháp phân tích, đánh giá và ra quyết định liên quan trong ứng xử với người lao động và đoàn thể của họ. Sinh viên được đào tạo khả năng tham gia vào quá trình quản trị kinh doanh tại DN như một nhà quản trị nguồn nhân lực cũng như có kỹ năng thương lượng, thuyết phục đám đông.
Tại nước ta hiện chỉ có 2 cơ sở đào tạo ngành quan hệ lao động là Trường Đại học Công đoàn (Hà Nội) và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh).
Chương trình của ngành quan hệ lao động của Trường Đại học Công đoàn chủ yếu tập trung hình thành cho người học các kỹ năng thương lượng tập thể, kỹ năng ký hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, giúp người học vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong việc thương lượng tập thể, hợp đồng lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể; cùng với đó là các kỹ năng đặc thù trong việc hòa giải, trọng tài và giải quyết các tranh chấp lao động.
Học phần hình thành cho người học các phương pháp xây dựng kế hoạch triển khai quan hệ lao động (phương pháp xây dựng, xác định các tiêu chí, mục tiêu phát triển quan hệ lao động mang tính hiệu quả). Các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết và quy định của Nhà nước.
Với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khi học ngành quan hệ lao động người học có cơ hội, điều kiện học tập với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước; được thực tập nghề nghiệp tại 4 đợt tại DN để có kinh nghiệm thực tế trong suốt thời gian học; được giao lưu, tìm hiểu về cơ cấu lao động, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, DN; đồng thời có cơ hội học tập và giao lưu sinh viên quốc tế.
Tốt nghiệp cử nhân ngành quan hệ lao động tại trường này, người học có kỹ năng tin học, ngoại ngữ cũng như những kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Cụ thể, có khả năng trình bày, phân tích và vận dụng những kiến thức về luật công đoàn và điều lệ công đoàn, luật lao động, luật bảo hiểm xã hội; công tác thi đua khen thưởng, tuyên giáo, tổ chức, văn phòng; đối thoại xã hội, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động. Người học cũng có thể trình bày, phân tích và vận dụng những kiến thức tuyển dụng, đánh giá kết quả làm việc, đào tạo và phát triển, sức khỏe và an toàn lao động, thù lao và phúc lợi.
Một tin vui với sinh viên, năm học 2025 - 2026, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 2 ngành mới, trong đó có ngành quan hệ lao động. Đây là cơ hội để thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành học mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Hiện các trường đào tạo ngành quan hệ lao động tuyển sinh các tổ hợp như: A01 (toán, lý, tiếng Anh), A00 (toán, lý, hóa), D01 (toán, văn, tiếng Anh). Trước khi quyết định chọn trường, chọn ngành, thí sinh nên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về các chuyên ngành, chương trình học, mức học phí… để phù hợp với năng lực tài chính và khả năng của bản thân.
Các chuyên gia nhận định, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, sụt giảm của nền kinh tế thì ngành quan hệ lao động vẫn không mất đi cơ hội phát triển, khẳng định vị trí cũng như tầm quan trọng. Chính bởi thế, cơ hội nghề nghiệp của ngành này luôn rộng mở và rất triển vọng.
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể trở thành chuyên viên quan hệ lao động; hòa giải viên, trọng tài viên lao động; chuyên viên quản lý nhân sự; chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về quan hệ lao động tại các tập đoàn kinh tế, DN, cơ quan quan lý Nhà nước về lao động, tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức quốc tế về lao động…
Nhu cầu tuyển dụng ngành quan hệ lao động ngày càng tăng, nhưng số đơn vị đào tạo ít nên không đủ đáp ứng nhân lực cho các công ty, DN. Mức lương cơ bản của ngành quan hệ lao động khá cao so với các ngành khác.
Cụ thể: sinh viên mới ra trường lương khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng chỉ sau vài năm kinh nghiệm, lương của nhân sự ngành này tăng gấp đôi; lương tăng gấp 3 và có cơ hội giữ vị trí cao tại đơn vị, DN nếu nhân sự làm từ 5 năm trở lên. Cũng như các ngành khác, nếu người học có khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ là lợi thế rất lớn với ngành quan hệ lao động. Kỹ năng tiếng Anh giúp người học tiếp cận với nguồn tài liệu chất lượng, phong phú; đồng thời mở ra những cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập ổn định.
Quan hệ lao động là ngành học rất có ý nghĩa, không chỉ trong mối quan hệ lao động và người sử dụng lao động mà còn trong tất cả các mối quan hệ cuộc sống. Nếu người học nào đó có nền tảng kiến thức chuyên môn tốt, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến luật lao động, chính sách nhân sự hay quản lý nhân sự cộng với những kỹ năng tích lũy, học hỏi được trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường và kinh nghiệm thực tế khi đi thực tập, thực tế, người đó chắc chắn sẽ trở thành những nhân sự được các đơn vị, DN tìm kiếm.
Quan hệ lao động có nghĩa là mối quan hệ giữa người lao động và người thuê lao động, giữa 2 đối tượng này có sự ràng buộc bởi nghĩa vụ và quyền lợi. Ngành quan hệ lao động là ngành nghề tập trung nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chủ thể về mặt quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình thực hiện hợp đồng về vấn đề việc làm, tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, điều kiện công việc… Tất cả những điều này sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa thông qua biện pháp thương lượng, trên nguyên tắc bình đẳng, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.