Quan hệ kỳ diệu giữa con người và khoáng vật

Niềm tin cổ xưa ở Iran, Ai Cập và Hy Lạp chứa đựng nỗi sợ hãi sâu sắc: Kim loại là da thịt của thần linh; khai thác chúng chẳng khác nào xé rách thân thể thiêng liêng.

 Tác phẩm Celia của nhà điêu khắc Jordi Díez Fernández. Ảnh: My Modern Met.

Tác phẩm Celia của nhà điêu khắc Jordi Díez Fernández. Ảnh: My Modern Met.

Tài nguyên Trái Đất là món quà hay món nợ? Chúng có thực sự thuộc quyền khai thác của ta? Thời cổ đại, con người từng "trao đổi" với thiên nhiên: vật hiến tế bị nhấn chìm trong đầm lầy than bùn, kiếm giáo thời đồ đồng bị làm gãy và chôn vùi.

Đá, khoáng vật, kim loại - những vật chất từ sâu trong lòng đất và từ không gian xa xôi - từ lâu đã khơi gợi cả sự tôn kính lẫn nỗi kinh hoàng, sự ngưỡng mộ lẫn lòng tham muốn. Chúng có quyền lực đối với chúng ta, và cũng mang lại cho chúng ta quyền lực.

Kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử hẳn đã dùng một hòn đá. Nghệ sĩ đầu tiên cũng vậy. Mối liên kết giữa con người và thế giới khoáng vật đã ăn sâu vào tận xương tủy.

Gả hòn đá cho thần linh

Mùa hè khoảng hai thiên niên kỷ trước, vị thượng tế 14 tuổi của một giáo phái thờ thiên thạch ở Syria hay tin anh họ mình, Hoàng đế Caracalla của La Mã, đã qua đời và cậu sẽ lên kế vị. Vị thượng tế tuổi thiếu niên này - về sau này được biết đến với tên gọi Hoàng đế Elagabalus - đã mang theo hòn đá thiêng của giáo phái mình đến kinh đô.

 Sách du ký Under a Metal Sky. Ảnh: Apple Books.

Sách du ký Under a Metal Sky. Ảnh: Apple Books.

Tại đây, ông gả hòn đá cho một nữ thần (tượng trưng cho sự hợp nhất của tín ngưỡng tôn giáo giữa Syria và La Mã), xây cho nó ngôi đền khổng lồ trên đồi Palatine và lệnh cho người La Mã thờ phụng nó hơn mọi vị thần khác.

Triều đại của ông rất ngắn ngủi. Sau bốn năm hỗn loạn, ông bị chính binh lính của mình chém đầu, thi thể vứt xuống cống. Số phận của hòn đá thiêng, nơi an nghỉ cuối cùng của nó vẫn là ẩn số.

Trong Under a Metal Sky (tạm dịch: Dưới bầu trời kim loại), cây bút du ký Philip Marsden lần theo dòng chảy câu chuyện này, từ những mỏ thiếc bỏ hoang quanh ngôi nhà của ông ở Cornwall đến các mỏ vàng chưa khai thác ở Svaneti, vùng cao nguyên Caucasus. Ông đặt câu hỏi: Những vật liệu mà chúng ta tạo hình, ngược lại, định hình chúng ta ra sao? Điều gì ẩn sau khát vọng dường như phi thực tế của loài người - đào bới, đục đẽo, luyện kim và sưu tập?

Với Marsden, mọi sự khởi đầu từ những viên sỏi. Ông kể về tuổi thơ: Cậu bé Marsden ngồi trên đường lái xe vào nhà, tìm kiếm những viên đá lấp lánh. Về sau, với búa và đục trong tay, Marsden thu thập những “khối đá lấm lem bùn đất, đập vỡ ra lại để lộ những tinh thể lấp lánh - thạch anh với hàng tá sắc thái khác nhau, tourmaline, jasper, thạch cao, mã não, galena sáng bóng…”.

Mãi về sau ông mới lý giải được sự hiện diện của chúng trong phòng mình, khiến ông không ngừng ngắm nghía: “Một thế giới khác đang ẩn giấu bên trong thế giới này”.

Khoáng vật là thứ thiêng liêng hay tầm thường?

Còn với loài người, chuyện bắt đầu từ đất son - loại đá giàu sắt mà khi nghiền nhỏ và trộn thành hỗn hợp, có thể vẽ lên hầu như mọi bề mặt - nền tảng đầu tiên của nghệ thuật. “Hành động đó mang tính cách mạng”, ông viết. “Trước đây, mọi đổi thay đều từ bên ngoài - ngày và đêm, thời tiết và mùa, sông và thủy triều, sự sống và cái chết. Giờ đây, sử dụng chính vật chất của mình, Trái Đất có thể được tinh tế tái tạo và tinh chỉnh, hình thành những thứ trừu tượng. Đất bỗng hóa quý giá, đá có phép màu, khoáng thạch thành thiêng liêng”.

Hành trình về phía đông xuyên qua châu Âu, Marsden phơi bày những bí mật của Trái Đất, từ bạc đến radium, thiên thạch, thủy ngân, đồng, vàng và lithium, cho thấy mỗi loại khoáng sản đều có tác động giả kim lên con người. Ông là một hướng dẫn viên táo bạo: đu dây xuống vách đá và mỏ bỏ hoang, chèo thuyền kayak qua Hà Lan, lắc lư trên chiếc xe cũ nát ở Georgia. Ông lục lọi bộ sưu tập khoáng vật của Goethe, nếm thử lớp bụi trắng mọc trên tường một mỏ thủy ngân ở Slovenia.

Các “hoàng đế” thời hiện đại lần nữa hướng ánh mắt về những tảng đá từ không gian, nhưng như Marsden nhận xét, cái nhìn đó không chút kính trọng. Tỷ phú công nghệ Naveen Jain sở hữu bộ sưu tập thiên thạch lớn, từng tuyên bố: “Mọi thứ mà con người coi là quý giá trên Trái Đất đều đầy rẫy ngoài vũ trụ kia”.

Công ty của ông, Moon Express, đã mua lại quyền thám hiểm Mặt trăng. Tại sao không đào tung Mặt trăng lên? Hay ném một tiểu hành tinh ra khỏi bầu trời? Ngay bây giờ, có một tiểu hành tinh đang trôi nổi đâu đó giữa Hỏa tinh và Mộc tinh, nếu nó rơi xuống Trái đất, sẽ cung cấp đủ kim loại quý để biến mọi người trên hành tinh này thành tỷ phú. Vấn đề duy nhất? Tất cả chúng ta sẽ chết.

Phong Khang

Theo Theguardian

Nguồn Znews: https://znews.vn/quan-he-ky-dieu-giua-con-nguoi-va-khoang-vat-post1531850.html
Zalo