Phát hiện hoạt động của não bộ ở khoảnh khắc cuối đời có thể giúp chứng minh linh hồn tồn tại

Theo Tiến sĩ Stuart Hameroff, bác sĩ gây mê và giáo sư tại Đại học Arizona (Mỹ), khi chúng ta chết, có thể có một luồng năng lượng bí ẩn trong não, điều này có thể liên quan đến giả thuyết linh hồn rời khỏi thể xác.

Ảnh minh họa linh hồn thoát khỏi xác: Getty Images

Ảnh minh họa linh hồn thoát khỏi xác: Getty Images

Theo trang Daily Mail (Anh), Tiến sĩ Stuart Hameroff, bác sĩ gây mê và giáo sư tại Đại học Arizona, gần đây đã thảo luận về một nghiên cứu ghi lại hoạt động não của những bệnh nhân đã chết lâm sàng. Ông giải thích cách các nhà nghiên cứu đặt các cảm biến nhỏ trên não của bảy bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vài phút trước khi họ ngừng hỗ trợ sự sống, cho phép họ ghi lại hoạt động sau khi huyết áp và nhịp tim của mỗi bệnh nhân giảm xuống mức không.

Tiến sĩ Hameroff chia sẻ với người dẫn chương trình Jay Anderson trong chương trình YouTube Project Unity rằng các nhà khoa học quan sát thấy rằng “mọi thứ dường như biến mất, nhưng sau đó lại có sự bùng nổ của hoạt động trong não”. Ông nghi ngờ rằng đây có thể là dấu hiệu của trải nghiệm cận tử, hoặc thậm chí là linh hồn thoát ra khỏi cơ thể.

Ông tin rằng ý thức có thể xảy ra ở mức độ lượng tử, sâu hơn là các tín hiệu điện thông thường giữa các tế bào thần kinh. Theo ông, ý thức không chỉ đến từ các tín hiệu điện giữa các tế bào thần kinh mà còn từ các quá trình lượng tử trong các vi ống – cấu trúc nhỏ trong tế bào não. Điều này lý giải tại sao con người vẫn có thể có nhận thức trong các trạng thái não năng lượng thấp như gây mê, ngủ sâu hay khi trải qua trải nghiệm cận tử.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự giải thích khả thi nhất cho những đợt hoạt động này là não bị thiếu ôxy.

Trong chương trình tài liệu Through the Wormhole của The Science Channel, Tiến sĩ Hameroff đã giải thích thêm về lý thuyết này. Ông nói: “Khi tim ngừng đập và máu không còn lưu thông, các vi ống trong não mất đi trạng thái lượng tử của chúng. Tuy nhiên, thông tin lượng tử trong các vi ống không bị phá hủy; nó không thể bị phá hủy và sẽ phân tán ra ngoài vũ trụ”.

Ông tiếp tục giải thích rằng nếu bệnh nhân được hồi sức hoặc hồi sinh, thông tin lượng tử này có thể quay lại các vi ống và khiến bệnh nhân trải nghiệm cảm giác đã có một trải nghiệm cận tử. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được hồi sinh, thông tin lượng tử này có thể tồn tại bên ngoài cơ thể và có thể được hiểu là linh hồn.

Dù vậy, phần lớn các nhà khoa học vẫn tin rằng ý thức chỉ là “sản phẩm” của các tương tác phức tạp trong não, là kết quả của các mạng lưới thần kinh xử lý thông tin để tạo ra một trải nghiệm chủ quan thống nhất.

Tiến sĩ Stuart Hameroff, bác sĩ gây mê và giáo sư tại Đại học Arizona. Ảnh: X

Tiến sĩ Stuart Hameroff, bác sĩ gây mê và giáo sư tại Đại học Arizona. Ảnh: X

Nghiên cứu mà Tiến sĩ Hameroff đề cập là nghiên cứu của Đại học George Washington vào năm 2009, nghiên cứu này khảo sát mức độ ý thức ở những bệnh nhân nặng trong những ngày cuối đời. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo điện não đồ (EEG) cho bảy bệnh nhân khi họ chuẩn bị ngừng sự sống.

Khi điện não đồ của bệnh nhân thành một đường thẳng, bệnh nhân được tuyên bố đã chết và thiết bị được tháo ra. Dữ liệu thu thập được ghi lại hoạt động bất thường sau khi tim ngừng đập, với một đợt năng lượng tăng đột biến kéo dài từ một đến 20 phút.

Tiến sĩ Hameroff giải thích rằng sau khi tim ngừng đập, não của bệnh nhân phát ra một đợt hoạt động tần số cao gọi là đồng bộ gamma. Đây là loại sóng não liên quan đến nhận thức và suy nghĩ có ý thức, kéo dài từ 30 đến 90 giây rồi biến mất. Điều này có thể chỉ ra rằng ngay cả khi tim ngừng đập, não vẫn còn một chút hoạt động có thể liên quan đến nhận thức.

“Các nhà khoa học đề cập đến khả năng rằng hoạt động não sau khi tim ngừng đập được đo có thể tương quan với trải nghiệm cận tử/trải nghiệm linh hồn thoát khỏi xác”, ông chia sẻ.

Lý thuyết thứ hai cho rằng bùng nổ hoạt động xảy ra khi não thiếu oxy nghiêm trọng. Các tín hiệu điện truyền qua tế bào thần kinh có thể bị mất, gây ra một loạt hoạt động điện. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng đây có thể là lý do tại sao những bệnh nhân hồi sinh sau khi tim ngừng đập có thể nhớ lại những ký ức hoặc hình ảnh từ trải nghiệm của họ.

“Chúng tôi đưa ra giả thuyết này như một lời giải thích tiềm năng cho những trải nghiệm ngoài cơ thể mà nhiều bệnh nhân nhớ lại khi được hồi sinh sau trải nghiệm cận tử. Trong hoạt động chăm sóc đặc biệt, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để an ủi các gia đình đang đau buồn. Qua những cuộc trò chuyện này, chúng tôi nhận thấy rằng ý tưởng về một điều gì đó xảy ra trong khoảnh khắc tử vong có thể mang lại sự an ủi lớn cho họ”, ông nói.

Vân Khánh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/phat-hien-hoat-dong-cua-nao-bo-o-khoanh-khac-cuoi-doi-co-the-giup-chung-minh-linh-hon-ton-tai-20250219170041262.htm
Zalo