Chuyện gì thực sự đã xảy ra tại thảm kịch Everest 1996?

Gần 30 năm trôi qua, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh nguyên nhân dẫn đến thảm kịch Everest khiến 8 nhà leo núi bỏ mạng hồi tháng 5/1996.

 Cảnh từ bộ phim Everest (2015). Ảnh: Trail to peak.

Cảnh từ bộ phim Everest (2015). Ảnh: Trail to peak.

Tháng 5/1996, 43 nhà leo núi đi thành nhiều đoàn thám hiểm, bao gồm hai đoàn thương mại lớn do Rob Hall (Adventure Consultants) và Scott Fischer (Mountain Madness) dẫn đầu, đang trên đường chinh phục Everest.

Ngày 10/5, thời tiết ban đầu có vẻ thuận lợi, nhưng một số yếu tố như lịch trình chậm trễ, sai lầm trong quản lý thời gian đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trên tuyến đường lên đỉnh, nhiều nhà leo núi mắc kẹt ở độ cao nguy hiểm.

Về chiều, cơn bão tuyết dữ dội bất ngờ ập đến khiến tầm nhìn giảm mạnh và nhiệt độ hạ xuống cực thấp. Nhiều nhà leo núi bị lạc hoặc kiệt sức trong nỗ lực quay trở về trại. Rob Hall và Scott Fischer đều thiệt mạng trên núi. Kết cục, số người thiệt mạng lên đến tám.

 "Thánh kinh" của giới leo núi Into thin air.

"Thánh kinh" của giới leo núi Into thin air.

Thảm kịch đã dấy lên tranh cãi về ngành leo núi thương mại trên Everest. Nhiều quy định an toàn đã được siết chặt sau sự kiện này.

Vụ việc cũng trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm như các sách Into Thin Air (1997; tạm dịch: Vào thinh không; cùng năm được dựng phim truyền hình) của Jon Krakauer - một nhà báo tham gia chuyến thám hiểm, The Climb (tạm dịch: Chuyến leo núi) của Anatoli Boukreev - hướng dẫn viên sống sót trong vụ tai nạn và phim điện ảnh Everest (2015) tái hiện lại sự kiện này một cách chân thực.

Trong số đó, Into Thin Air là nổi tiếng hơn cả, được xem như "thánh kinh" của giới leo núi. Hướng dẫn viên Anatoli Boukreev viết The Climb để phản bác Into Thin Air mà ông cho là đã miêu tả bất công về ông.

Theo Slate, gần đây, luật sư Michael Tracy phát động chiến dịch YouTube công kích Krakauer, cho rằng ông đã bóp méo sự thật. Tracy cáo buộc Krakauer đổ lỗi cho những người leo nghiệp dư như Sandy Hill Pittman thay vì các hướng dẫn viên thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, Krakauer đã phản bác mạnh mẽ, thừa nhận một số sai sót nhỏ nhưng khẳng định phần lớn nội dung Into Thin Air vẫn chính xác.

Theo Tracy, vì cuốn sách của Krakauer mà Pittman chịu chỉ trích lớn từ cộng đồng, những hành động đầy tính kỳ thị phụ nữ. Tuy nhiên, tờ Slate cho rằng ác cảm với nhân vật này đến từ những nguồn khác, đặc biệt là một số tờ báo như Vanity Fair.

Ngoài ra, một số cáo buộc nặng nề nhất của Tracy, như việc Krakauer bỏ mặc Yasuko Namba sắp chết, đã bị cộng đồng kịch liệt phản đối, buộc ông phải gỡ bỏ video.

Đến nay, gần 30 năm trôi qua nhưng cuộc tranh cãi về nguyên nhân thảm kịch vẫn kéo dài. Nhiều chi tiết quan trọng không thể xác minh, vì những người chứng kiến đã bỏ mạng trên núi.

Con người luôn muốn tìm một thủ phạm rõ ràng để giải thích những bi kịch phức tạp, nhưng như Krakauer nhấn mạnh, thảm kịch trên là hậu quả của nhiều yếu tố đan xen: tắc trách, tham vọng, thời tiết khắc nghiệt, thể chất suy yếu và số phận xui rủi.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-thuc-su-da-xay-ra-tai-tham-kich-everest-1996-post1532757.html
Zalo