Quan hệ giữa Ukraine và Slovakia leo thang căng thẳng vì khí đốt Nga

Căng thẳng leo thang khi Slovakia đe dọa cắt điện để đáp trả việc Ukraine dừng vận chuyển khí đốt Nga.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 30/12, mối quan hệ giữa Ukraine và Slovakia đang trở nên căng thẳng khi hai nước rơi vào cuộc tranh chấp về vấn đề vận chuyển khí đốt của Nga. Cuộc khủng hoảng này nổ ra khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại hết hạn vào cuối năm 2024, đồng thời cho thấy tác động sâu rộng của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với thị trường năng lượng châu Âu.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa các bên được ký kết trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Theo đó, Ukraine đóng vai trò trung gian vận chuyển khí đốt từ Nga đến một số quốc gia châu Âu, trong đó có Slovakia. Tuy nhiên, Kiev đã tuyên bố sẽ không gia hạn hay ký kết bất kỳ thỏa thuận mới nào với Moskva do hậu quả của cuộc xung đột.

Căng thẳng leo thang khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico, sau chuyến thăm Moskva và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 12/2024, đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả nếu Ukraine ngừng vận chuyển khí đốt từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, Slovakia có thể sẽ cắt nguồn cung cấp điện dự phòng cho Ukraine.

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Thủ tướng Fico đang "mở mặt trận năng lượng thứ hai" chống lại Ukraine theo yêu cầu Moskva. Ông Zelensky nhấn mạnh rằng Slovakia, với tư cách thành viên EU, cần tôn trọng các quy tắc chung của khối. Ông cũng cảnh báo việc cắt nguồn cung cấp điện sẽ khiến Slovakia thiệt hại 200 triệu USD mỗi năm, trong khi nguồn điện nhập khẩu từ Slovakia hiện chiếm 19% tổng lượng điện nhập khẩu của Ukraine.

Phía Slovakia phản bác mạnh mẽ các cáo buộc này. Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanar gọi tuyên bố của Tổng Zelensky về mối liên hệ giữa Thủ tướng Fico và Tổng thống Putin là "bịa đặt". Ông Blanar nhấn mạnh Slovakia vẫn đang ủng hộ Ukraine và người dân nước này, đồng thời khuyên Kiev không nên "tạo ra kẻ thù mới" trong bối cảnh xung đột hiện tại.

Ngày 30/12, Bộ Ngoại giao Slovakia ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ mọi tuyên bố vô căn cứ về việc mở ra 'mặt trận năng lượng thứ hai' mà Tổng thống Ukraine đang đồn đoán, cũng như những cáo buộc bịa đặt về bất kỳ liên minh nào với Moskva. Ngoài ra, các đối tác Ukraine không nên quên rằng khí đốt của Nga vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine mang lại cho Kiev nguồn doanh thu đáng kể, đóng vai trò thiết yếu cho nền kinh tế của đất nước".

Về phía Slovakia, quốc gia này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Theo ước tính, việc tìm kiếm các tuyến đường vận chuyển khí đốt thay thế có thể khiến Slovakia thiệt hại khoảng 500 triệu euro tiền phí. Thủ tướng Fico đã gửi thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu, cảnh báo rằng việc đơn phương dừng quá cảnh qua Ukraine có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ euro cho người dân, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng châu Âu.

Cuộc khủng hoảng này càng trở nên phức tạp khi xét đến vai trò của Thủ tướng Fico, người được biết đến là một trong những chính khách châu Âu phản đối mạnh mẽ nhất việc viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi nhậm chức vào năm 2023. Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moskva, ông Fico cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho Slovakia, mặc dù điều này "gần như không thể" sau khi thỏa thuận trung chuyển hết hạn.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Ukraine buộc phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng sau khi phần lớn công suất phát điện phi hạt nhân của nước này bị hư hại hoặc phá hủy do các cuộc giao tranh vào cuối năm 2022. Kiev hiện đang tích cực hợp tác với các nước láng giềng thuộc EU để tăng cường nguồn cung điện.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Euractive.com/en.apa.az)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-he-giua-ukraine-vaslovakia-leo-thang-cang-thang-vi-khi-dot-nga-20241231183639777.htm
Zalo