Châu Âu gấp rút tìm lối thoát sau khi giá khí đốt tăng vọt
Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt trong vài ngày trở lại đây sau khi Ukraine từ chối gia hạn hợp đồng với công ty dầu khí Nga Gazprom cho phép xuất khẩu khí đốt qua lãnh thổ của mình.
Thời tiết lạnh giá cùng với mức trữ lượng sụt giảm tiếp tục tác động mạnh đến giá năng lượng khiến Liên minh châu Âu lo lắng.
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 2/1, Trung tâm giao dịch khí đốt TTF Hà Lan cho biết giá khí đốt đã nhảy vọt lên mức 51 euro cho mỗi MWh, mức cao nhất kể từ 10/2023, được ghi nhận ngay sau khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra cùng với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Nguyên nhân giá khí đốt châu Âu tăng nhanh trong những ngày gần đây đến từ việc lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đã sụt giảm 5% sau khi Ukraine chính thức đóng đường ống dẫn khí từ Nga quá cảnh qua lãnh thổ của mình kể từ ngày 1/1.
Ngoài ra, thời tiết lạnh giá cũng góp phần tăng mạnh lượng khí đốt tiêu thụ trong vài tuần trở lại đây. Theo số liệu từ Tổ chức Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), các kho dự trữ khí đốt ở lục địa già đang cạn kiệt với tốc độ kỷ lục kể từ năm 2021, hiện tạm dừng ở mức 75% tổng trữ lượng. GIE cho biết các kho dự trữ thường được làm đầy ở mức 95% và gần 20% trữ lượng đã được sử dụng chỉ trong vòng khoảng 3 tháng trở lại đây.
Các chuyên gia địa bàn khẳng định nguy cơ xảy ra cơn khủng hoảng năng lượng tại thời điểm hiện tại là rất thấp. EU vẫn có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp. Dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo việc giá khí đốt tiếp tục tăng cao có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu cũng như tạo ra cơn sốt năng lượng “ảo”, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Khối 27.
Các nước Trung Âu là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mất quyền tiếp cận khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine. Mặc dù có tuyến vận chuyển thay thế là TurkStream, để nhận khí đốt tự nhiên của Nga, song tuyến đó không đủ để bù đắp hoàn toàn cho việc mất tuyến vận chuyển qua Ukraine. Theo viện nghiên cứu Bruegel, tác động tiêu cực sẽ được cảm nhận rõ nhất ở Hungary và Slovakia, nơi tuyến trung chuyển của Ukraine đáp ứng tới 65% nhu cầu khí đốt của quốc gia trong năm 2023.
Trước tình hình này, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một số giải pháp để giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng, bao gồm việc cung cấp khí đốt của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania qua tuyến đường xuyên Balkan.
Nhìn một cách tổng thể, châu Âu sẽ không bị thiếu hụt khí đốt trong mùa đông này, nhưng việc lấp đầy các kho dự trữ cho năm tới sẽ là bài toán hóc búa với toàn bộ EU trong bối cảnh giá khí đốt hiện tại đang dần vượt qua giá khí đốt dự kiến cho mùa đông 2025-2026. Châu Âu cũng đang cân nhắc tăng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một giải pháp thay thế việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, dù lựa chọn của EU có là gì đi chăng nữa thì giá năng lượng châu Âu vẫn sẽ tăng cao trong thời gian tới. Nguồn cung giá rẻ từ Nga không thể thay thế trong nhất thời. Gánh nặng chi phí năng lượng sẽ tiếp tục đè nặng lên người dân và doanh nghiệp, kéo theo các dự báo ảm đạm cho một năm kinh tế mới 2025.