Đông Âu bất ổn vì thiếu khí đốt Nga, châu Âu bất an trong mối quan hệ với Ukraine

Việc Ukraine quyết chặn dòng khí đốt Nga cung cấp tới châu Âu đã thật sự gây bất ổn ở Đông Âu, nhưng tình hình ở Lục địa già có vẻ còn nhiều rắc rối hơn thế.

Đông Âu bất ổn vì thiếu khí đốt Nga, châu Âu bất an trong mối quan hệ với Ukraine. (Nguồn: euractiv.com)

Đông Âu bất ổn vì thiếu khí đốt Nga, châu Âu bất an trong mối quan hệ với Ukraine. (Nguồn: euractiv.com)

Cái gì phải đến cuối cùng đã đến, việc Đông Âu lo ngại về dòng khí đốt Nga có thể bị Ukraine chặn đứng giữa mùa Đông đã thành hiện thực.

Dữ liệu từ công ty điều hành OGTSU của Ukraine ngày 1/1/2025 chính thức cho thấy, lượng khí đốt được giao qua điểm nhập khẩu duy nhất từ Nga vào Ukraine đã chính thức trở về mức 0.

Trên thực tế, quyết định của Ukraine về việc đóng van cung cấp khí đốt Nga, chấm dứt hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ của nước này tới châu Âu, đã thực sự gây ra rắc rối ở phía Đông Lục địa già, khi Moldova phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp có liên quan và Slovakia đe dọa sẽ “không để yên”.

Vụ việc đã phơi bày sự thật rằng, dù châu Âu đã nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, một số quốc gia Đông Âu vẫn trông chờ vào nguồn cung năng lượng Nga để đáp ứng phần lớn nhu cầu của họ.

Điều này cũng bộc lộ rõ một nguồn thu nhập chưa từng vị gián đoạn của Điện Kremlin bất chấp xung đột quân sự với Ukraine chuẩn bị kéo dài sang năm thứ tư, khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky luôn muốn chặn đứng càng sớm càng tốt.

Gần một phần ba lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu được vận chuyển qua lãnh thổ của Kiev, theo người đứng đầu Trung tâm Năng lượng của Viện Jacques Delors. Phần còn lại được vận chuyển qua đường ống dưới Biển Đen đến Bulgaria, Serbia và Hungary hoặc bằng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Moldova nói bị 'tống tiền năng lượng'

Tình hình Moldova có vẻ đang ở mức nghiêm trọng nhất. Quốc gia nhỏ bé giáp biên giới Ukraine đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày (từ 16/12) để chuẩn bị cho quyết định “dứt tình” của Kiev.

Ngay sau đó, Chisinau còn tỏ ra tức tối hơn khi Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga - Gazprom tiếp tục tuyên bố dừng cung cấp khí đốt cho khu vực Transnistria từ 8h sáng 1/1/2025, với lý do tranh chấp về một khoản nợ - hơn 700 triệu USD.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moldova đã thay thế hầu hết nguồn cung Nga bằng khí đốt từ thị trường châu Âu, nhưng vùng ly khai Transnistria ở miền Đông nước này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào dòng khí đốt Nga chảy qua Ukraine, nhập khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm kể từ 2022. Transnistria sử dụng khí đốt Nga để sản xuất điện và bán lại cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát. Nhà máy điện lớn nhất Moldova là Kuciurgan nằm ở vùng ly khai này.

Việc bị cắt nguồn khí đốt Nga khiến vùng ly khai Transnistria không thể tiếp tục sản xuất điện để bán cho các khu vực khác ở Moldova, khiến nước này lâm vào khủng hoảng năng lượng.

Thủ tướng Moldova Dorin Recean ngay lập tức bày tỏ phẫn nộ trước quyết định của Gazprom, phủ nhận khoản nợ và cáo buộc Nga dùng "chiến thuật áp bức", "tống tiền năng lượng” để tác động đến cuộc bầu cử quốc hội năm 2025 và phá hoại con đường tiến vào châu Âu của nước này.

Trong khi đó, chuyên gia của Trung tâm năng lượng thuộc Viện Jacques Delors nói Moscow đã sử dụng khí đốt như một "vũ khí địa chính trị", nuôi dưỡng sự phẫn nộ của người dân để tác động đến sự ủng hộ dành cho Ukraine và gieo mầm bất hòa trên khắp châu Âu.

Chính phủ cũng tính chuyện bù đắp sự thiếu hụt năng lượng bằng cách mua điện từ nước láng giềng Romania. Tuy nhiên, hiện tại thủ đô Chisinau, chính phủ Moldova đang phải dùng nhiều biện pháp tức thời để hạn chế tối đa mức tiêu thụ năng lượng, hạn chế chiếu sáng trong các tòa nhà công cộng và sử dụng thang máy, hầu hết các màn trình diễn ánh sáng mùa lễ hội bị tắt...

Một số cư dân đã bày tỏ lo sợ về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Việc tắt hệ thống sưởi vào mùa Đông cũng đã gây lo ngại cho người dân. Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến bi quan về diễn biến tiếp theo của tình hình, đặc biệt là khi nhiệt độ giảm mạnh trong thời gian tới. Những khó khăn trong quan hệ giữa Nga, Ukraine và Moldova càng làm tăng thêm căng thẳng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

Trước mắt, thay vì trả khoản nợ đã đề cập trên, Thủ tướng Moldova Dorin Recean ra lệnh chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho việc tịch thu tài sản của Gazprom ở Moldova, hay cụ thể là quốc hữu hóa tài sản của Moldovagaz -công ty mà Gazprom có 50% cổ phần, bất chấp Moldova sẽ bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với Gazprom.

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành năng lượng của Moldova gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt Nga được cung cấp qua đường ống trung chuyển của Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, sự phụ thuộc này đã được chính thức hóa với việc thành lập Moldovagaz (1999) - một liên doanh giữa Gazprom, chính phủ Moldova và khu vực ly khai Transnistria.

Mặc dù các thỏa thuận ban đầu đưa ra mức giá tương đối thấp, căng thẳng bắt đầu nổi lên khi chi phí khí đốt tăng. Đến năm 2007, Moldova đã phải trả 170 USD cho 1.000 m3, tăng mạnh so với mức 80 USD mà họ phải trả vào đầu những năm 2000. Tranh chấp về nợ và giá cả leo thang đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2022 với khoản nợ 709 triệu USD mà Gazprom khẳng định.

Mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn trong cuộc khủng hoảng khí đốt vào năm 2021 khi Moldova từ chối chấp nhận các điều khoản của Gazprom cho một hợp đồng mới. Chisinau tuyên bố Nga có động cơ chính trị khi hủy bỏ một thỏa thuận năng lượng với EU, trong khi Gazprom cho biết họ chỉ đơn giản là không muốn hoạt động thua lỗ.

Ukraine cáo buộc Slovakia hưởng lợi

Việc dòng chảy khí đốt lâu đời nhất của Nga đến châu Âu bị chặn đứng, được Ukraine ca ngợi là "sự kiện lịch sử".

"Chúng tôi đã dừng quá cảnh khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất tài chính. Châu Âu đã đưa ra quyết định từ bỏ khí đốt của Nga", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko vui mừng tuyên bố. Bộ này cũng cho biết, Kiev quyết dừng trung chuyển khí đốt Nga "vì lợi ích an ninh quốc gia" dù họ sẽ bị mất khoảng 800 triệu USD/năm.

Trong khi đó, về phần EU, dù Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, với mục tiêu tạo ra nguồn cung thay thế cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng, cơ sở hạ tầng khí đốt của khối đã được tăng cường đáng kể trong vài năm qua. Đánh giá tác động là hạn chế, Lãnh đạo Khối này cho biết, họ đã "chuẩn bị" sẵn sàng cho kịch bản "không còn khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine".

Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhiều năm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung năng lượng Nga, hiện mức độ giảm phụ thuộc là khác nhau. Chẳng hạn, sau quyết định chấm dứt hoàn toàn hợp đồng dài hạn với Gazprom của Áo vào tháng 12/2024, Slovakia vẫn là nền kinh tế có thể phải chịu tác động đáng kể; trong khi một thành viên khác là Hungary - vẫn thân thiện với Moscow và vẫn tiếp tục nhận được hầu hết lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga thông qua đường ống Biển Đen, mà gần như không bị ảnh hưởng gì.

Cùng với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, ông Robert Fico được coi là số ít "đồng minh" của Điện Kremlin trong EU đã lên tiếng chỉ trích "quyết định đơn phương của Kiev là phi lý và sai trái". Trong một lá thư gửi Brussels, ông Fico cũng đã lên tiếng cảnh tác động "khủng khiếp" nếu dòng khí đốt Nga sang EU bị cắt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Thậm chí, ông Fico đã đe dọa đáp trả Kiev bằng khả năng cắt nguồn cung cấp điện thiết yếu của Ukraine.

Trong lúc các nhà lãnh đạo EU thân Điện Kremlin đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận, nhằm duy trì dòng nhiên liệu Nga chảy qua lục địa già - là huyết mạch kinh tế của một số nền kinh tế thành viên. Về phía Ukraine, một quan chức cấp cao của nước này đã lên tiếng chỉ trích rằng, lo ngại của Thủ tướng Robert Fico về an ninh năng lượng là vô căn cứ, thậm chí cáo buộc Slovakia đã được hưởng lợi từ chiến lược trung chuyển khí đốt của Nga, theo tờ Politico.

Theo tiết lộ của tờ báo này, đã xảy ra một cuộc tranh cãi ngoại giao ngày càng căng thẳng giữa Slovakia và Ukraine chủ yếu là về việc kiếm tiền từ nguồn năng lượng Nga giá rẻ, hơn bất cứ điều gì khác. Theo một quan chức Ukraine thân cận với Tổng thống Zelenskyy, Slovakia đang kiếm được khoảng 500 triệu USD/năm bằng các giao dịch khí đốt của Nga, trong khi phản đối các mục tiêu chính sách đối ngoại của Ukraine.

"Chúng tôi liên tục yêu cầu trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga", vị quan chức giấu tên cho biết. Nhưng Thủ tướng Slovakia Robert Fico luôn nằm trong số những người ngăn chặn các lệnh trừng phạt đó... và cũng là một trong những người đầu tiên phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine".

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-au-bat-on-vi-thieu-khi-dot-nga-chau-au-bat-an-trong-moi-quan-he-voi-ukraine-299549.html
Zalo