Quan chức Nhật Bản kêu gọi tăng sức mạnh đồng yen

Nhật Bản cần tăng giá trị đồng yen bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp, trong bối cảnh đồng tiền yếu đã đẩy chi phí sinh hoạt lên cao.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Đó là nhận định của ông Itsunori Onodera, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ, ông Onodera cũng cho rằng Nhật Bản không nên bán trái phiếu kho bạc Mỹ – tài sản mà nước này hiện nắm giữ nhiều nhất thế giới ngoài nước Mỹ.

“Là đồng minh của Mỹ, chính phủ không nên sử dụng trái phiếu Mỹ như một công cụ mặc cả”, ông Onodera phát biểu trên đài NHK.

Khi cho rằng đồng yen yếu là nguyên nhân khiến lạm phát tăng, ông Onodera dường như muốn nhấn mạnh rằng điều đáng lo ngại hiện nay không phải là sự phục hồi gần đây của đồng yen, mà là xu hướng mất giá kéo dài của đồng tiền này.

“Đồng yen yếu là một trong những yếu tố khiến giá cả tăng cao”, ông nói. “Muốn tăng giá trị đồng nội tệ, điều quan trọng là phải tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản”.

Tuần này, các cuộc đàm phán với Mỹ có thể sẽ bàn đến chính sách tiền tệ. Nhiều quan chức lo ngại Mỹ sẽ gây áp lực buộc Nhật Bản hỗ trợ đồng yen. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn đang nâng lãi suất rất chậm từ mức cực thấp.

Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Ryosei Akazawa – trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật – dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào ngày 17/4.

Nhật Bản từ lâu đã tìm cách ngăn đồng nội tệ tăng giá quá mạnh để bảo vệ xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi BoJ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng còn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đồng yen đã lao dốc xuống mức thấp nhất của gần ba thập kỷ.

10 phiên giao dịch sau khi ông Trump thông báo áp thuế với ngành ô tô đã trở thành thời kỳ thị trường biến động nhất kể từ đại dịch 2020. Giá cổ phiếu, trái phiếu, dầu, vàng và USD đồng loạt lên xuống mạnh.

Đáng chú ý, trái phiếu kho bạc Mỹ – vốn được coi là tài sản an toàn toàn cầu – đã bị bán tháo mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Đây là một trong những lý do khiến ông Trump quyết định tạm hoãn kế hoạch thuế “có đi có lại” trong 90 ngày. Bộ trưởng Tài chính Bessent được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định này.

Tính đến tháng 1, Nhật Bản đang nắm giữ 1,079 triệu tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ – đứng đầu thế giới. Trung Quốc xếp thứ hai với 760,8 tỷ USD – theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ.

Phương Nga (Theo CNBC)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-chuc-nhat-ban-keu-goi-tang-suc-manh-dong-yen/369897.html
Zalo