Quan chức Mỹ - Trung sẽ gặp 'phá băng' tại Geneva vào thứ Bảy

Giới chức Mỹ cho biết, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer sẽ có cuộc gặp với quan chức kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào thứ Bảy tuần này. Đây được coi là bước đi đầu tiên nhằm tháo gỡ căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.

Quan chức Mỹ - Trung sẽ gặp “phá băng” tại Geneva vào thứ Bảy

Quan chức Mỹ - Trung sẽ gặp “phá băng” tại Geneva vào thứ Bảy

"Phá băng" tình thế hiện tại

Thông tin về cuộc gặp được công bố vào tối thứ Ba đã ngay lập tức đẩy hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh, sau hai phiên sụt giảm liên tiếp do lo ngại về làn sóng áp thuế dồn dập từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 E-mini tăng khoảng 1%.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Tài chính xác nhận ông Greer và ông Bessent sẽ cùng lên đường đến Geneva vào thứ Năm. Tại đây, họ cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter để thảo luận về các vấn đề thương mại song phương mang tính đối ứng.

“Theo cảm nhận của tôi, đây sẽ là một bước nhằm giảm leo thang căng thẳng”, ông Bessent chia sẻ trên chương trình The Ingraham Angle của Fox News ngay sau khi thông tin cuộc gặp được công bố. “Chúng ta cần hạ nhiệt trước khi có thể tiến xa hơn”, ông nói thêm.

Phía Mỹ không tiết lộ danh tính các quan chức Trung Quốc tham dự, chỉ cho biết phía Trung Quốc sẽ cử “đại diện hàng đầu về các vấn đề kinh tế”. Phó Thủ tướng Hà Lập Phong hiện được xem là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách kinh tế Trung Quốc và cũng có thể là trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận Trung Quốc đã đồng ý nối lại đàm phán với Hoa Kỳ.

“Trên cơ sở xem xét đầy đủ kỳ vọng toàn cầu, lợi ích quốc gia và những kiến nghị từ giới công nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc đã quyết định tái khởi động đối thoại với phía Mỹ”, tuyên bố từ Bắc Kinh cho biết.

“Người xưa có câu: 'Nghe những gì họ nói, nhưng hãy xem họ làm gì'... Nếu phía Mỹ nói một đằng, làm một nẻo, hoặc lợi dụng đối thoại làm bình phong cho các hành vi cưỡng ép và đe dọa, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận”, đại diện phía Trung Quốc nói.

Chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua liên tục phát tín hiệu trái chiều về tiến triển đàm phán thương mại với các đối tác lớn, trong bối cảnh nhiều nước đang gấp rút ký kết thỏa thuận nhằm tránh bị áp thuế nặng đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Trình bày trước Quốc hội cùng ngày, ông Bessent cho biết Mỹ đang đàm phán với 17 đối tác thương mại lớn, trong đó chưa có Trung Quốc và có thể sẽ công bố một số thỏa thuận ngay trong tuần này.

Tổng thống Trump cũng nói với báo chí trước cuộc họp với Thủ tướng Canada Mark Carney rằng ông và các quan chức cấp cao sẽ rà soát các thỏa thuận tiềm năng trong vòng hai tuần tới để đưa ra quyết định cuối cùng, khiến thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh.

Các tuyên bố chính thức từ Mỹ không gọi cuộc gặp sắp tới là khởi động đàm phán chính thức. Washington và Bắc Kinh hiện vẫn đang trong thế giằng co, không bên nào muốn bị xem là xuống nước trong cuộc chiến thuế quan vốn đã khiến thị trường toàn cầu rung lắc và chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn nghiêm trọng.

Thâm hụt thương mại tiếp tục nới rộng

Kể từ sau khi công bố áp thuế 10% đối với hầu hết các nước vào ngày 2/4, Tổng thống Trump cùng các quan chức cấp cao đã liên tục tổ chức các cuộc gặp với đối tác thương mại. Biện pháp thuế bổ sung, bao gồm thuế suất 25% với ô tô, thép và nhôm; 25% với Canada và Mexico; và lên đến 145% đối với Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 9/7 nếu không đạt được các thỏa thuận riêng biệt.

Đáp trả lại, Trung Quốc đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ lên mức 125%, dù vẫn để ngỏ một số miễn trừ. Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu ngày thứ Ba cho biết EU đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ, đồng thời tiết lộ rằng nhiều nước đang chủ động liên hệ để thúc đẩy hợp tác thương mại với EU.

“Tôi kỳ vọng vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng trong nỗ lực tái cân bằng hệ thống kinh tế quốc tế, theo hướng phục vụ tốt hơn lợi ích của Mỹ”, ông Bessent tuyên bố.

Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan mà ông Trump theo đuổi với mục tiêu tuyên bố là nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại Mỹ trên thực tế lại đang gây ra tác dụng ngược. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục do doanh nghiệp Mỹ ồ ạt tăng nhập khẩu trước khi các mức thuế mới có hiệu lực. Dữ liệu thương mại cho thấy xu hướng này đã góp phần khiến GDP quý I/2025 của Mỹ tăng trưởng âm, lần đầu tiên sau ba năm.

Đặc biệt, việc các hãng dược phẩm nhập khẩu gấp rút để "né" thuế dự kiến đã dẫn đến mức tăng kỷ lục về nhập khẩu dược phẩm. Tuy vậy, đáng chú ý là thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc lại giảm mạnh, do các biện pháp thuế trừng phạt mà ông Trump áp đặt đã khiến nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã áp mức thuế tổng cộng 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, nhằm trừng phạt các hành vi bị coi là "thương mại không công bằng" và phản ứng với cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng triển khai mức thuế trả đũa 125%. Ông Bessent nhận định rằng các mức thuế này là không bền vững và trên thực tế đang tạo ra một hình thái "cấm vận thương mại" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quan-chuc-my-trung-se-gap-pha-bang-tai-geneva-vao-thu-bay-163790.html
Zalo